Sỉ số lớp ba mười bốn (3/14) ở trường Bàn Cờ có đến gần năm mươi trò nhỏ. Các trò là con em của những gia đình lao động loanh quanh khu xóm nghèo không xa trường học. Đa số trong các em là người miền Nam, nói giọng Sài-Gòn và một số phát âm chất giọng miền xa, tận ngoài Trung, ngoài Bắc.
Hôm đó, trong giờ “Tập làm văn” cô Mỹ Lan cho các trò miêu tả về quê ngoại. Để giúp các em làm bài dễ dàng, cô đã gợi ý sơ lược như mỗi năm vào dịp nghỉ hè hay mỗi lần giỗ chạp các trò thường được theo cha mẹ về quê. Đứa nào, đứa nấy đều có dịp về thăm quê tắm sông, hái ổi và khi nghe cô nhắc nhở bùi tai bèn hí hoáy đặt bút xuống trang giấy mới. Thằng Phúc người gốc Huế, tuy hiếm có dịp về thăm quê cha đất tổ nhưng cũng nắn nót miêu tả căn nhà của ngoại nằm cạnh ngôi chợ Đông-Ba ồn ào và dòng sông Hương lượn lờ, uốn khúc. Thằng Chung giơ tay lên và đỏ mặt, ấp úng :
– Dạ thưa cô, em không biết quê ngoại !
Cô Lan điềm tĩnh trả lời :
– Em tả về quê nội cũng được mà !
Giờ luận văn nặng nề trôi qua ! Đến lúc nộp bài, Chung ngó qua các bạn và thấy được những dòng chữ màu mực tím in đầy trên bốn trang giấy mà chạnh lòng. Trước mặt Chung, tờ giấy đôi được xé ra từ cuốn vở hiệu Olympic còn trắng tinh và thơm tho mùi giấy mới. Chung không thể viết ra được chữ nào vì nó chưa hề biết cũng như chưa bao giờ được về thăm quê hương nội, ngoại.
Bố mẹ nó theo làn sóng người di cư xuống tàu “há mồm” xuôi Nam sau ngày hiệp định Genève được ký kết năm 1954. Khí hậu miền Nam chan hòa nắng ấm, dân miền Nam xởi lởi, hiếu khách đã giang tay chào đón đồng bào xứ Bắc tái định cư trên vùng đất mới. Ngày ấy, mấy chị mới biết đi lẩm đẩm, ông anh trai nó còn được mẹ ẳm ngữa trên tay. Thằng bé tên Chung chưa kịp tượng hình và có lẽ còn đang phiêu du đâu đó nơi một cõi ta bà xa lơ, xa lắc. Theo lời kể của mẹ, quê ngoại của nó là ngôi làng hẻo lánh nằm bên bờ sông Đuống. Dân làng sống bằng nghề nông, quanh năm cơ cực, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Bấy nhiêu đó không thể nào giúp nó hình dung ra được một làng quê xanh tốt hay nghèo nàn để có thể trải lòng lên trang giấy trắng.
Tháng tư năm 1975, đất trời nổi cơn gió bụi đã khiến xuôi gia đình Chung lần nữa rời quê, lìa xa vùng đất phương Nam ấm áp và di tản khỏi Sài-Gòn trên những chuyến bay cuối cùng. Bố mẹ nó chỉ kịp gói ghém mớ quần áo, mang theo một ít hình ảnh gia đình và bùi ngùi bỏ lại ngôi nhà nhỏ có giàn hoa giấy xinh xinh giữa lòng xóm chợ.
Ở một nơi cách xa quê nhà vạn dặm, dù đã đề huề một gánh thê nhi nhưng trong lòng Chung vẫn đau đáu những ngày ấu thơ được lớn lên trên mảnh đất Sài-Gòn với hai mùa mưa nắng. Ở đó, Chung có những kỷ niệm tuổi nhỏ thật đẹp với đám bạn Nam Kỳ dễ tính và xóm giềng chan chứa tình người. Có lẽ tuổi chưa kịp lớn, chưa có dịp nào ngắm hết sông núi quê nhà mà bước chân đã xa xôi, miên viễn nên những con đường quê hương cứ nhập nhằng trong ký ức. Dẫu đã sống gần hết đời người, dẫu đã đi được nhiều nơi, ngắm nhiều danh lam thắng cảnh trên thế giới nhưng quê nhà mãi mãi là vùng trời xanh nhiều kỷ niệm và chỉ chập chờn sống lại nơi Chung trong từng giấc chiêm bao.
24.06.2021
Author
-
Đại diện Cỏ Thơm ở Germany. Cựu học sinh Petrus Ký. Vượt biển năm 1981, được tàu Cap Anamur vớt. Hiện cư ngụ tại thành phố Bonn, Germany với gia đình và 2 con. Bắt đầu viết từ cuối năm 2016.
View all posts