Từ 30/4 đến 4/7

light painting, sparkler writing, fourth of july-801025.jpg
Tác giả Phạm Xuân Thái: Hôm nay ngày 4/7/2021, trong ký ức lại hiện về những cảm xúc xưa. Nhìn lại cuộc đời sau 46 năm sống tại quê hương thứ hai này, tôi cảm thấy vui vì đã thực thi những điều tự hứa trong ngày 4 tháng 7 năm 1975.

Ban quản trị của khu 6, trại tị nạn Ft. Indiantown Gap, tại tiểu bang Pennsylvania gọi tôi lên văn phòng, và cho biết tôi đã được bảo trợ bởi nhà thờ St. Luke tiểu bang Virginia. Họ trao cho tôi  một vé xe bus và một phong bì do Red Cross tặng, rồi yêu cầu tôi về thu xếp hành lý để sáng mai lên văn phòng lúc 9 giờ sáng. Tại đây, sẽ có người chở tôi ra bến xe Bus đi Washington, D.C, và đại diện nhà thờ sẽ đón tôi tại bến xe bus D.C.

Tôi bước vội về barrack thông báo cùng bạn bè. Ai ai cũng mừng cho tôi, và lo cho thân phận mình, vì trong cảnh tranh tối tranh sáng của cuộc đời, không biết ngày mai sẽ ra sao? Tối hôm đó, một buổi văn nghệ bỏ túi đã được bạn bè tổ chức để tiễn tôi đi, có sự hiện diện của nhạc sĩ Đỗ Đình Phương, Hoàng Quốc Bảo, thi sĩ Du tử Lê, ca sĩ Mai Hân, và một số bạn văn nghệ. Chúng tôi uống cà phê, ăn bánh Flan làm bằng bột trứng, và ca hát tới gần nửa đêm mới “vãn tuồng”. Đêm hôm đó, tôi trằn trọc không ngủ được, không biết tương lai mình sẽ đi về đâu nơi xứ lạ quê  người? Gia đình còn kẹt lại ở Việt nam bây giờ như thế nào? Việt cộng sẽ làm gì những người miền Nam thua cuộc? Cái cảm giác đau đớn của kẻ thất trận, và nỗi niềm chia ly làm tôi ray rứt.

Sáng hôm sau, ngày mùng 1 tháng 7 năm 1975, tôi dậy từ hồi 6 giờ sáng, thu xếp hành lý, bao gồm vài bộ quần áo do trại tị nạn phân phát cho, những giấy tờ quan trọng, vé xe bus, và phong bì đựng 5 Dollars do Red Cross tặng. Loay hoay pha ly cà phê buổi sáng, bước ra sau barrack, châm điếu thuốc, ngồi tư lự, lòng nửa vui nửa buồn. Vui vì không còn bị gò bó trong trại tị nạn; buồn vì sắp sửa phải xa bạn bè gặp lại từ đảo Guam. Một số đã cùng đi với tôi từ Guam qua Indiantown Gap, một số khác, tôi tình cờ gặp lại trong trại tị nạn này.

Đúng 8 giờ sáng, bạn bè đã tụ tập tại barack của tôi, trong số đó có vài bóng hồng. Tôi ghi vội số phone của người quen, trao cho các cô và bạn bè. Hy vọng khi ra khỏi trại, họ sẽ liên lạc, và chúng tôi lại có dịp gặp nhau. Chúng tôi bịn rịn chia tay, những cái bắt tay xiết chặt, những lời chúc may mắn; các cô nghẹn ngào xúc động, nước mắt lưng tròng.

Sau đó, cả nhóm đi cùng tôi lên văn phòng quản trị trại. Tại đây, lại những lời ly biệt, chúc tụng, và những giọt nước mắt. Tôi nhìn từng người bạn, cố thu trọn hình ảnh họ vào tâm khảm. Miệng tôi cười… như mếu.

Xe từ từ chuyển bánh. Tôi quay lại nhìn các bạn lần cuối. Indiantown Gap xa dần, nhạt nhòa, và … mất hút.

****

Chuyến xe bus từ Harrisburg tới Washington lăn đều, lòng tôi buồn rười rượi. Cuốn phim cuộc đời của những tháng vừa qua, lại tuần tự hiện về:

Đơn vị đài Radar Kiểm Báo của Hải Quân chúng tôi nằm trên đỉnh núi Trường Sơn gần Phong Điền, Huế. Đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ phát hiện tất cả tầu bè qua lại từ vĩ tuyến 17 vào tới Đà Nẵng; liên lạc và hướng dẫn Tuần Dương Hạm và Duyên Đoàn chận xét những tầu bè qua lại; và liên lạc hải pháo để yểm trợ các đơn vị bạn.

Ngày 24/3/1975 đơn vị của tôi được lệnh di tản từ Huế về Đà Nẵng trên chuyến tầu Hải Quân cuối cùng tại căn cứ Hải Quân Thuận An.

Vào tới Đà Nẵng, chúng tôi lãnh trách nhiệm ứng chiến, bảo vệ Bộ Tư Lệnh Hải Quân vùng 1 Duyên Hải. Đêm 28/3, đại pháo bắn liên tục vào Bộ Tư Lệnh, tôi và một số bạn đồng đội may mắn lên được chuyến tầu cuối cùng tại một căn cứ Hải Quân gần đó vào lúc 6 giờ sáng, ngày 29/3/1975. Đà Nẵng mất cùng ngày.

Sau bao đoạn đường nguy hiểm, khó khăn, vất vả tại Huế, Đà nẵng, Cam Ranh, Ba Ngòi, Phan Rang, Phan Thiết, tôi đã về nhà tại Sài gòn ngày 14/4/1975. Sau gần hai tuần ở nhà, tôi vào trình diện BTL/HQ tại bến Bạch Đằng, và được lệnh phải ra trình diện BTL/HQ vùng III Duyên Hải, tại Cát Lở, Vũng Tầu. Tôi ra Vũng Tầu ngày 26/4/1975. Ngày hôm sau, 27/4, tình hình nguy kịch, chúng tôi lại được lệnh di tản xuống tầu.

(The Fall of Saigon – Photo Hubert Van Es)

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông Dương văn Minh kêu gọi buông súng đầu hàng. Hạm đội Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa không chấp nhận đầu hàng, tiến ra hải phận quốc tế, cứu vớt khoảng 30.000 quân nhân và đồng bào, trực chỉ Subic Bay, Phi Luật Tân. Sau buổi Lễ Hạ Quốc Kỳ VNCH đầy nước mắt, chúng tôi được chính phủ Phi Luật Tân cho nhập cảnh, và chuyển qua thương thuyền đi tới đảo Guam.

Đảo Guam đã được sửa soạn với đầy đủ nhu yếu phẩm, và lều vải đã được căng lên để tiếp nhận khoảng 120.000 người tị nạn Việt nam trong năm 1975[1]. Ở Guam gần một tháng, tôi  đã được chuyển đến trại tị nạn Ft. Indiantown Gap, tại tiểu bang Pennsylvania. Và ngày 1 tháng 7 năm 1975, tôi đã rời trại tị nạn để bước vào một bước ngoặt mới của cuộc đời, với 5 dollars do Red Cross trao tặng.

****

Bà Nancy Urbanczyk và bà Elise Siebentritts, đại diện nhà thờ St. Luke Catholic Church, đón tôi tại bến xe bus Greyhound, thành phố Washington, D.C. Bà Elise cho biết nhà thờ bảo lãnh tôi, và gởi tôi cư ngụ tại nhà bà. Gia đình bà và giáo dân của nhà thờ sẽ giúp tôi làm quen với đời sống mới, và sẽ giúp tôi tìm kiếm việc làm. Khả năng Anh ngữ của tôi lúc đó thuộc loại ấm ớ, mà hai bà lại nói liên tục để chào mừng và trấn an tôi. Tôi không hiểu nhiều, đành chỉ nhe răng ra cười, những nụ cười rất ngu ngơ.

Gia đình Siebentritts cư ngụ tại thành phố McLean, cách thủ đô Hoa thịnh Đốn 45 phút lái xe. Bà Elise mở cửa đưa tôi vào nhà, giới thiệu mọi nơi trong căn nhà 7 phòng ngủ của họ. Họ dành cho tôi một căn phòng nhỏ với chiếc giường trải khăn đẹp đẽ, một cái bàn viết đặt trước cửa sổ nhìn xuống khu vườn đầy bóng mát và hoa cỏ, một closet chứa quần áo rất rộng, một phòng tắm sạch sẽ với khăn tắm trắng muốt.

Bà Elise cho biết ông Carl Siebentritts là một cựu chiến binh trong thế chiến thứ hai, đã góp phần giải phóng Âu châu khỏi Đức Quốc Xã. Hiện ông là Khoa học gia làm việc cho bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Bà Elise là y tá, làm việc lâu năm cho một nhà thương trong vùng. Gia đình họ có 6 người con: người con trai trưởng 18 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học, và sắp vào đại học tại tiểu bang Massachusetts. Con gái kế, 16 tuổi. Tiếp đó là hai cậu con trai 14, 12, và hai cô con gái út 10, và 3 tuổi.

Sau khi giới thiệu về căn nhà và gia đình, bà Elise cho biết trong vài ngày nữa, ngày mùng 4 tháng 7, sẽ có một buổi họp mặt để  những người trong nhà thờ có dịp gặp tôi.

Tôi đóng cửa phòng, đặt chiếc xách tay chứa ba bộ quần áo vào closet. Nằm xoải tay trên chiếc giường nệm êm ấm một cách thoải mái. Bao ưu tư lo lắng cho số phận tạm lắng xuống, tôi từ từ nhắm mắt tận hưởng giây phút êm đềm, và chìm vào giấc ngủ.

****

(The Fourth of July in Washington, D.C – Photo Thai Pham)

Ngày 4 tháng 7 năm 1776, bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ đã ra đời[2] để đánh dấu sự độc lập của Hoa Kỳ có ghi: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đảm bảo những quyền này, chính phủ phải do dân bầu ra, quyền lực là của người dân. Nếu chính phủ nào hủy hoại những mục tiêu này, thì người dân có quyền thay đổi hoặc lật đổ chính phủ, và hình thành chính phủ mới, dựa trên những nguyên tắc và tổ chức quyền lực theo hình thức mà người dân cho là chắc chắn sẽ đảm bảo được sự an toàn, và hạnh phúc của họ.”

Trong hơn hai trăm năm qua, nước Mỹ đã tiến không ngừng và đã dẫn đầu thế giới về kinh tế cũng như quân sự. Đó là nhờ vào sự chịu khó làm việc, và chính sách tôn trọng quyền tự do, dân chủ của con người; biết khuyến khích và sử dụng nhân tài trong, và ngoài nước. Hàng năm vào ngày mùng 4 tháng 7 (the Fourth of July),  khắp mọi nơi trên đất Mỹ, dân chúng và các đoàn thể cùng rộn ràng tổ chức những buổi đốt pháo bông, diễn hành, và những cuộc liên hoan mừng ngày Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Ngày mùng 4 tháng 7 năm 1975, gia đình ông bà Siebentritts tổ chức buổi liên hoan mừng Lễ Độc Lập, và cũng để giới thiệu tôi với ban quản trị nhà thờ, cùng một số giáo dân và bằng hữu của họ.


Từ sáng sớm, mọi người trong gia đình Siebentritts đã sửa soạn nấu nướng, cắt cỏ, tỉa cây, hốt lá, kê bàn ghế ngoài vườn để đón khách. Mới chân ướt chân ráo ra khỏi trại tị nạn được ba ngày, tôi cũng nhào ra góp sức, làm thợ bê, thợ vịn.

Khoảng 5 giờ chiều, hơn 80 người đã hiện diện tại khu vườn. Họ mang theo đủ loại thức ăn, bia rượu, trái cây, bánh ngọt. Tay bắt mặt mừng, họ cười nói ỏm tỏi, vui như Tết.

Trước khi nhập tiệc, ông Siebentritts nói vài lời phi lộ chào mừng mọi người. Sau đó ông giới thiệu tôi, một nạn nhân của chiến tranh Việt Nam, vừa được nhà thờ bảo trợ, tạm cư tại nhà ông. Tôi ngượng ngùng bối rối đứng lên, không biết nói gì, chỉ nở một nụ cười, và cúi đầu chào mọi người. Sau đó, bà Barbara, thay mặt nhà thờ, chào mừng tôi đến được bến bờ tự do. Bà cám ơn gia đình Siebentritts đã cung cấp cho tôi chỗ ở, dưới sự bảo trợ của giáo dân nhà thờ. Bà cho biết ban quản trị nhà thờ đã thu xếp được người lái xe đưa tôi đi học Anh ngữ buổi tối; đã kiếm cho tôi việc làm dọn dẹp, lau chùi tại một vườn trẻ; và cũng có vài người muốn thuê tôi cắt cỏ, tỉa cây cho họ cuối tuần. Ông bác sĩ Larry tình nguyện khám bệnh cho tôi miễn phí; bà nha sĩ Linda sẵn sàng chữa răng cho tôi; ông Bill sẽ cho tôi mượn chiếc xe đạp để đi làm cho tới khi tôi lấy được bằng lái xe…

Sau đó họ bắt đầu nhập tiệc. Mọi người vui vẻ xếp hàng, lấy đồ ăn, thức uống. Tiếng cười nói vang vọng không ngớt.

Tôi ngắm nhìn những sinh hoạt của nhóm người này với lòng tri ân và cảm phục. Họ là những người có trái tim nhân ái, giúp đỡ tha nhân vô vị lợi. Họ làm việc cật lực để có được một đời sống tốt đẹp; sẵn sàng mở lòng giúp đỡ người khốn khó, và thoải mái chấp nhận những dị biệt của người khác chủng tộc. Đất nước này quả thật đẹp đẽ, thanh bình, phú cường, và đầy tình người.

Tôi tự hứa với lòng mình: sẽ làm việc hết sức mình để trả lại công ơn đất nước đã cưu mang tôi; sẽ góp tay xây dựng và bảo vệ mảnh đất này; sẽ luôn trau dồi kiến thức để thăng tiến trong xã hội. Và sẽ theo gót những ân nhân của tôi để giúp đỡ những người kém may mắn hơn tôi trong kiếp nhân sinh này.

“ Dù xây chín bậc phù đồ

Không bằng làm phước cứu cho một người”

****

Hôm nay ngày 4/7/2021, trong ký ức lại hiện về những cảm xúc xưa. Nhìn lại cuộc đời sau 46 năm sống tại quê hương thứ hai này, tôi cảm thấy vui vì đã thực thi những điều tự hứa trong ngày 4 tháng 7 năm 1975.

Thế hệ thứ nhất của người Việt tị nạn đã hết sức phấn đấu làm việc, và đã đóng góp không nhỏ cho sự hưng thịnh của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Họ đã dồn hết nỗ lực để hướng dẫn con cái, và tạo điều kiện cho thế hệ thứ hai có số vốn kiến thức và khả năng, để cùng tiến bước, sát cánh bên người bản xứ trong mọi lãnh vực.

Cho đến ngày hôm nay, thế hệ thứ nhất của người Việt tị nạn đã vào tuổi xế chiều; một số lớn đã vĩnh viễn ra đi. Thế hệ thứ hai của người Mỹ gốc Việt đã trưởng thành, đang bước những bước vững chắc đi vào giòng chính. Họ đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm xây dựng đất nước, cộng đồng, làm vẻ vang dân tộc Việt trên quê hương thứ hai này. Họ đang tiếp nối truyền thống mà cha anh đã miệt mài gầy dựng.

Hồi tưởng lại những chặng đường trải qua, những kỷ niệm của ngày xưa thuở ấy, niềm hãnh diện và tự hào đang dâng lên trong lòng tôi.

 Phạm Xuân Thái

The Fourth of July, 2021


[1] Theo National Geopgraphic Society: Tổng thống Gerald Ford dù bị chống đối bởi Quốc Hội Hoa Kỳ không cho nhận người tị nạn VN, nhưng ông đã nỗ lực tập hợp một liên minh gồm một số nghị sĩ, dân biểu, các thống đốc tiểu bang, các đoàn thể tôn giáo,  các nhà lãnh đạo tổ chức lao động, các tổ chức người Do Thái tại Hoa Kỳ để đảm bảo nơi cư ngụ và việc làm cho khoảng 120,000 người tị nạn VN.

Theo Wikipedia: Ngày 23/5/1975, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật “The Indochina Migration and Refugee Assistance Act” để tiếp nhận khoảng 130.000 người tị nạn Việt, Miên, Lào.

[2]https://www.archives.gov/founding-docs/declaration-transcript

https://en.wikipedia.org/wiki/Indochina_Migration_and_Refugee_Assistance_Act

Author