Đôi dòng tâm sự trong ngày 21 tháng 4.
Thưa quý bạn, quý bằng hữu.
Tám ngày trước đây, tôi đã hầu chuyện quý vị vì sao tôi bị thương, và vì sao tôi suýt chết. (Xin coi attached ở dưới)..
Hôm nay, xin tiếp tục. Tôi đang ngồi tại Virginia nước Mỹ, sống ưu tư vì nhiều người Mỹ chết trong cơn dịch Coronavirus, tính nhẩm hơn tháng qua đã có hơn 46 ngàn người chết, cũng gần bằng hai phần ba tổng số người Mỹ đã chết cho tự do của miền Nam Việt Nam (58,000). Xin ghi rõ thêm, khi tôi viết những dòng này trong tháng 4, 2020 thì có 46,000 người Mỹ chết, và hôm nay 21 tháng 3, 2021, Mười một tháng sau, tôi ngồi sửa bài này thì có trên một nửa triệu người Mỹ chết, con số này gần gấp 10 lần số người chết trong chiến tranh Việt Nam.
Nỗi lo lắng hôm nay của tôi, không tuyệt vọng, như nỗi lo của ngày này 46 năm về trước, khi mà tôi đang đau đầu trúng thương, nằm ở tổng y viện Cộng Hòa. Thực vậy, bây giờ nó chỉ giản dị là mong con virus đừng đến lấy đi mạng vợ con, và những bạn bè thân thiết của mình, xa hơn là lo lắng làm sao có thuốc chữa cho bớt đi người chết, bớt đi khổ đau. Còn 46 năm trước, là nỗi lo của kẻ cùng đường, tận mạng. Nhân dịp 46 năm quốc hận, tôi xin tiếp tục chia sẻ với bạn bè, bằng hữu. Khi tôi được tản thương về Sài Gòn, thì Phan Rang thất thủ, thương binh đổ về như trẩy hội. Thông thường, một phòng bệnh sĩ quan cấp tá có 3 giường, nhưng giờ thì không, họ lèn thêm giường, không đủ, thì cho nằm trên băng ca, la liệt ngoài hành lang, bác sĩ và y tá làm việc long tóc gáy, vì thương binh đông quá. Hình ảnh những nhân viên nhà thương làm việc vất vả ở Mỹ bây giờ như thế nào, thì ngày đó nhân viên y tá, bác sĩ của ta còn cả 10 lần khổ hơn thế. Tận lực cứu thương binh mà phải làm việc 24/24 không có giờ nghỉ ngơi, ăn uống. Tôi may mắn không phải nằm hành lang mà có một cái giường trong phòng bệnh, điều may hơn nữa là duy nhất, phòng tôi, có 1 chiếc phone. Ông tá nào thương tích không trầm trọng thì cố gắng bò vô phòng tôi mà phone về cho vợ con, gia đình. Riêng tôi, vì cái phone nằm trên đầu giường, tôi không phải bò đi đâu cả, đợi tới trưa, sau khi các quan, không còn ai dùng phone nữa, thì tôi chỉ việc với tay gọi cho cơ quan DAO (Defense Attache’ Office) của Mỹ để liên lạc với người Mỹ, anh rể của tôi. Ray lấy chị tôi từ thời năm 50. Giờ đây cuộc chiến sắp tàn, anh ta được qua VN làm việc và có liên lạc với tôi. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, tôi cho xe đón Ray lên quận, tôi chân thành nói với Ray:
- Tôi biết, anh làm cho nước Mỹ, tôi làm cho nước VN. Chúng ta hai quốc gia, không thể đòi hỏi ai làm cho ai, nhưng một điều quan trọng, Ray là anh rể tôi, không thể bỏ người nhà được, tôi không đòi hỏi Ray phải làm điều trái với nước Mỹ, nhưng tôi đòi hỏi là anh phải giúp cho tôi khi thực sự Mỹ bỏ VN, để vợ con tôi còn chạy. Không thì tôi sẽ mải lo đánh VC, cướp bóc sẽ tràn vô nhà giết vợ con tôi.
Ray nói: - Tôi rất bận, tôi cũng biết Cường không thể bỏ quận về Sài Gòn. Bây giờ thì như thế này, mỗi ngày kêu Trâm gọi tôi trong DAO, nếu có gì khẩn cấp tôi sẽ liên lạc, và giúp Trâm. Còn Cường, DAO cho biết Công Trường 5 Cộng Sản sẽ xuống đánh Long An, báo cho Cường biết mà đề phòng.
Thì đúng như lời Ray căn dặn, tôi đã lo phòng vệ Thủ Thừa, vì chính tin này Đại Tá Tỉnh trưởng cũng có nói cho tôi biết. Phần Trâm, phone mỗi ngày cho Ray, và Ray cho biết là không nghe gì cả. Lý do Ray cũng tốt với vợ tôi, vì khi anh đến VN, anh có chìa cái card PX vô mặt tôi và nói, cái card này của Cường, vì tôi là người Mỹ, không hút thuốc, không uống rượu, mà cũng chẳng mua đồ đạc gì, Cường cần gì cứ nói. Tôi trả lời: - Brother Ray, tôi không cần gì cả, vì Trâm đi bay ngoại quốc mỗi tuần, đồ dùng mua ở Hồng Kông, rẻ và tốt hơn cả PX.
Thế rồi sau đó Ray lại nhờ Trâm đi Hồng Kông mua xì gà cho xếp, vì xì gà xếp hút lại không có ở PX. Từ chỗ Trâm không lợi dụng Ray mua đồ PX đã phần nào, chúng tôi không bị người anh rể coi thường, giữ tình cảm tốt. Người Mỹ đến VN thường nhìn người Việt khác, vì họ biết là hay nhờ vả mua đồ PX.
Bẵng đi mấy hôm, VC tấn công dữ dội Long An, đánh thẳng vô Thủ Thừa. Tôi mải mê trận mạc, đâu còn nghĩ gì được đến vợ con, hay Mỹ bỏ hay không bỏ VN. Cho đến hôm 13 Tháng 4, tôi được chở về nhà thương Cộng Hòa, thì vợ tôi cũng đã đi nhà thương đẻ thằng con trai. Mấy ngày sau, khi liên lạc được với Trâm, thì tôi chưng hửng. Vì Trâm nói vẫn gọi Ray đều đặn, và vì hôm 10 tháng tư đi đẻ thằng con, thì làm sao gọi. Hai hôm sau, tỉnh hồn gọi Ray thì được trả lời, không có Ray ở đây. Có lý nào Ray lại nhẫn tâm lờ vợ tôi. Tôi không tin, nhờ có cái phone đầu giường, tôi gọi đến VP Ray. Tôi tự giới thiệu là em vợ của Ray, tôi rất muốn gặp Ray. Giọng đầu giây bên kia, có vẻ có cảm tình làm tôi hy vọng, anh ta nói: “Ray sẽ trở về từ Thái Lan, cuối tuần này, hay đầu tuần tới”.
Tôi bấm bụng kiên nhẫn đợi sáng thứ hai gọi tới, Tôi nhấn mạnh câu nói của người tuần trước nói với tôi là Ray sẽ trở về đầu tuần, anh ta nói: “Ray sẽ không trở lại VN”. Tôi bàng hoàng cả người, niềm hy vọng cuối cùng của tôi tiêu tan. Tôi có nói vớt với anh ta, tôi đã bị thương, vợ tôi mới đẻ, tôi sẽ bị tắm máu (bloodbath) khi Cộng Sản vô đây. Điều quan trọng là Ray hứa giúp vợ con tôi, một khi mất VN. Ông cố chuyển message này của tôi qua Bangkok, hy vọng anh ta sẽ có cách nào khác chăng. Miệng nói, nhưng bụng tôi thật buồn, Ray đối với tôi như một người anh, Ray người gốc Đức, nhưng hiền lành và lịch sự, nhất là anh ta rất giỏi chữ Hán, anh ta đã bút đàm với bố tôi, xin cưới chị Đào tôi. Vì bố tôi dân nói tiếng Pháp, không nói được tiếng Mỹ. Một người Mỹ, hiểu đạo Nho, biết văn hóa người Á Đông, sao lại xử tệ, không một lời gửi gấm bạn bè ở lại giúp tôi. Bỗng dưng tôi nghe người đầu giây bên kia, nói lại: - Hiện giờ chúng tôi không có chỗ cho ông (tiếng Mỹ ông này lạ lắm.) At this time, we have no rooms for you. Just prepare your light luggage and call me.
Khi anh ta cúp máy, tôi ngớ người không hiểu là anh ta nói “rooms” là phòng, hay chỗ ngồi trên máy bay. Tôi đầu đau như búa bổ vì vết thương, nhưng tôi suy nghĩ nhanh lắm. Hay là, nhờ người em vợ, lên nhà thương chở tôi về nhà, đem vợ và hai đứa con lên gặp ông Mỹ, đằng nào tối nay cô này, làm tiếp viên cho Air VN, cũng phải đi bay Bangkok night stop. Cô ta sẽ vất tôi về nhà thương, rồi lên sân bay, vì DAO nằm trong khu quân sự của phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi sẽ đánh động lương tâm anh Mỹ này – thấy tình cảnh tôi thương tích, hai đứa con thơ, một đứa 4 tuổi, một đứa mới đẻ có 10 ngày và Trâm mới sanh con, mẹ Trâm bắt bôi nghệ, mặt mày vàng khè – chắc sẽ cho chúng tôi vô danh sách những người (High Risk List) được di tản, tôi chỉ mong xin vô danh sách di tản, vì Sài Gòn chiều 21 tháng 4, 1975, đời sống vẫn bình thường, chưa có một sự đe dọa nào của Cộng Quân. Tôi đinh ninh thế, nhưng khi gặp anh Mỹ, anh ta lại bảo tôi là đi Mỹ, nó hoàn toàn đi ngược lại tất cả toan tính của tôi, không chuẩn bị gì cả, vợ tôi chỉ có 1 bộ quần áo mặc trong người, và tôi cũng chỉ có một cái quần civil thay ra ở nhà thương, ngoài mấy cái tã, và một hộp sữa SMA cho đứa trẻ sơ sinh, hành trang chỉ có vậy. Khi nghe ông Mỹ hô đi, không một chút do dự, tôi dứt khoát đi theo, vợ tôi phân vân, vì còn mẹ già, tiền bạc, vòng vàng cà rá ở nhà. Tôi biết ý, không cho thối lui, người Mỹ lùa cả cô em vợ tôi vô, hỏi cô này có muốn đi không? Cô em vợ lắc đầu, ra xe lái lên phi trường.
Qua khỏi người lính gác, bước vô DAO, tôi mới biết anh Mỹ này tên Glenn, anh còn trẻ lắm, anh nói là thường nghe Ray nói về tôi, và rất may là anh đã gặp được và giúp tôi. Trâm bế thằng bé trên tay, cháu Cún thấp quá phải nắm áo mẹ mà đi, còn tôi, thì sợ hãi rụng rời cả người, mới ở ngoài cửa, tôi thấy Sài Gòn vẫn sống bình thường, nhưng lọt vô DAO thì tôi thấy Sài Gòn đã mất, người Mỹ đã phản bội chúng tôi, bỏ đi tự bao giờ, bản đồ VN xé nát, vứt lung tung trên sàn nhà. Glenn dắt tôi qua nhiều phòng, phòng nào cũng làm tôi toát mồ hôi hột, Mỹ đã bỏ Việt Nam thật rồi, mà ở ngoài không một ai hay biết gì cả. Bàn ghế trong phòng ốc, nghiêng ngả, nước ngọt coca đổ xuống đất, khô quánh, loang lổ khắp nơi, chứng tỏ người Mỹ đã đi lâu lắm. Glenn dắt tôi vô phòng làm việc, đóng cửa lại và nói với tôi: - Anh thật may mắn, bây giờ là 5:30pm. Tôi đóng cửa văn phòng, 6:00pm là phi cơ cất cánh đưa tôi qua Thái Lan, anh cứ ở đây sẽ có người đón.
Tôi không còn đầu óc để suy nghĩ, thật may mắn vô chừng, nếu chiều nay tôi gọi anh Mỹ này, trễ độ 1 tiếng đồng hồ, văn phòng anh ta đã đóng cửa mất rồi, chuông điện thoại sẽ reo hoài vô vọng, như thế, số phận của tôi sẽ vô cùng bi thảm. Đời thương binh của tôi, sẽ khốn khổ biết chừng nào, một khi Cộng Sản vô đây. Còn vợ tôi, một nách hai đứa con sẽ làm gì, sống ra sao, nếu không có tôi. Nghĩ tới đó, tôi thất thần nắm tay Glenn và nói: - Tôi sẽ không ngồi đây khi anh đi, vì sẽ không có ai biết tôi, và tôi cũng không biết ai. Hãy đem chúng tôi qua Thái Lan, vợ tôi ngày truớc là “Flight Attendant”, biết Thái Lan rất rành, chúng tôi sẽ không làm phiền anh, chúng tôi có thể tự lực sinh sống. Glenn bảo không được, vì máy bay không có chỗ cho vợ chồng tôi. Tôi nhất định không chịu mà nói rằng:
- Nếu anh không thể mang chúng tôi theo được, thì tôi chỉ ở phòng nào có người Mỹ, vì như thế, khi đi người Mỹ sẽ không quên chúng tôi.
Sau cùng Glenn phải dắt chúng tôi, qua một phòng có một lô người Mỹ, gửi chúng tôi ở đó trước khi anh ra máy bay. Văn phòng của Ray sẽ đóng cửa “Forever”, đời tôi sẽ thảm khốc lắm nếu tôi hụt cái “call” chiều nay với Glenn. Lúc này Glenn là ân nhân của vợ chồng tôi, anh có dặn với tôi một câu trước khi lên máy bay: - Trong đám người được đưa đi tối nay, có một cô tên Hoa, bạn tôi, mong anh giúp cô ta.
Một lời nói của Glenn, chị Hoa đã ở với chúng tôi cho đến khi chúng tôi đưa chị ra khỏi trại.
Glenn đã đi rồi, nhưng vợ chồng con cái chúng tôi yên tâm ở lại bên những người Mỹ mà chúng tôi không hề quen biết. Thằng bé sơ sinh trên tay bắt đầu ọ ẹ, Trâm tìm bình sữa, mà trong lúc vội vàng, bà cụ đã nhét vào túi sách tay, một cái bình nước nóng, hộp sữa bột và cái giò ăn dở. Cũng may, nhờ cái giò con đó mà cháu Cún(Uyên) có cái bỏ bụng trong cơn đói. Trời tháng 4, sáu giờ chiều vẫn sáng chưng, chúng tôi được chia ra từng toán, đi bằng xe nhỏ ra xe bus. Điều không ngờ, vợ chồng chúng tôi, bị nhồi lên 1 chiếc xe có người quen là anh Vũ Thụy Hoàng, Staff writer của Washington Post ở VN. Anh Hoàng ngồi băng trên, tôi vội đẩy vợ con lên trước, tôi ngồi băng sau, ngay cái chỗ sau lưng anh Hoàng, mỗi khi muốn nói chuyện, anh Hoàng quay ngang qua, thì không nhìn thấy tôi ở sau, tôi trốn không cho anh thấy mặt, vì e anh sẽ hỏi:” Cường đang làm quận trưởng mà bỏ đi đâu đây”. Tôi sợ hãi, vì không định mang thân đi trốn, mà hoàn cảnh xô đẩy thành ra đi trốn. Lên xe bus, tôi ngồi cạnh một người đàn bà xinh xắn, khi xe bắt đầu chạy, chị ta quay ngang nói với tôi: - Ông phải ngồi xuống dưới sàn xe, không được ngồi ở đây.
Lòng tự ái nổi lên, tôi quắc mắt hỏi lại:” tại sao tôi phải ngồi xuống sàn?”
Chị chỉ nhẹ nhàng bảo tôi: - Ông thấy không?, tất cả trên xe toàn là đàn bà và con gái, có ai là đàn ông đâu, ông ngồi trên này, quân cảnh sẽ chận xe lại bắt ông. Không tin ông nhìn đi, mấy em trai, 16, 17 tuổi đều phải ăn mặc giả con gái, đội tóc giả, cho quân cảnh, cảnh sát họ không để ý.
Tôi hiểu ra, nhìn người đàn bà xinh đẹp, tỏ thiện cảm và lặng lẽ ngồi tụt xuống sàn, dựa cái đầu đau nhức lên đùi vợ, tôi bỗng nhớ tới anh Hoàng, từ lúc lên xe, tôi không nhìn thấy anh đâu, tôi đảo mắt nhìn qua, thì thấy anh Hoàng cũng ngồi sau xe, dưới sàn như tôi, tôi bỗng hiểu ra là anh cũng đi trốn, tôi bèn lên tiếng gọi, và anh em chúng tôi đã nhận ra nhau.
Cái xe bus, đã chạy vòng vòng trong phi trường Tân Sơn Nhất, sau cùng nó chạy thẳng ra một chiếc máy bay khổng lồ C141 Star Lift. Cái đuôi tầu mở rộng, có thể cả cái xe bus chạy lên cũng lọt, nhưng không, nó đậu ngay sát đuôi tàu bay cho cô bác bước lên. Tôi bỗng tái mặt, vì ngay trước cửa xe bus, có một toán cảnh sát sắc phục và ông quân cảnh Không Quân, Trung sĩ Liêm. Ai không biết, chứ ông Liêm này thì nhẵn mặt tôi, vì suốt bao năm tôi lên phi trường tán Trâm, bao giờ cũng đụng ông trung sĩ này ở sân bay, tuy không nói chuyện, nhưng ông ta biết rất rõ mặt mày của tôi. Tôi vội quay qua nói với Trâm: - Em, ông trung sĩ quân cảnh không quân, biết mặt anh, dù anh thương tích, mặc đồ civil, khi bước xuống xe là ông ta nhận ra anh và bắt anh liền, nếu anh bị giữ lại, em cứ dắt hai con lên tàu, anh ở lại xoay sở dễ hơn.
Trâm bướng bỉnh, dẫy nẩy lên: - Không được, nếu anh bị bắt, tôi dắt hai con xuống theo, không lên tàu, một nách hai đứa con, tôi biết đi đâu, làm sao sống.
Tôi cố nằn nì: - Em phải lên tàu, có chị Đào bên Mỹ, sẽ tìm anh Ray liên lạc.
Trâm nhất định không chịu, chúng tôi đâm cãi vã trên xe làm cản trở hành khách đang lục tục xuống xe, ông Mỹ mà Glenn đã gửi tôi trước khi lên tàu bay, hỏi tôi chuyện gì?
Tôi phàn nàn là ông MP dưới kia biết mặt tôi, anh ta sẽ bắt, tôi muốn vợ tôi lên tầu, nếu mà tôi bị bắt, thì bà vợ không chịu. Ông ta cười khì, bảo: - “Don’t worry, be happy”, lên tàu nhanh đi, những người Quân Cảnh Cảnh Sát dưới kia, chúng tôi trả tiền cho họ giữ anh ninh, họ sẽ không bắt ông đâu.
Tôi dắt hai đứa con qua mặt trung sĩ Liêm quân cảnh, anh ta lờ đi như là không biết tôi. Bước lên cái thân tàu mênh mông, tôi mới hú vía là mình thoát nạn. Chiếc tàu bay khổng lồ với trọng tải cả ngàn tấn, chỉ chở có hơn trăm người VN, những người ra đi này, không phải là những người tị nạn (refugees) mà là những người thuộc về gia đình thân nhân Mỹ rời VN, truớc khi Mỹ cho người tị nạn ra đi. Tôi thật may mắn, thoát chết trong gang tấc, đến Clark Air Force base 9 giờ đêm trước những tiếng gầm hú của phản lực cơ Mỹ cất cánh liên hồi. 9:30 tối Thứ hai 21 tháng 4, 1975 tôi đã rời VN, vĩnh viễn sống lưu vong xứ người.
Ngay đêm đó, tôi coi truyền hình địa phương, cũng thấy ông Thiệu từ chức Tổng Thống. Và những tiếng gầm hú của phản lực cất cánh liên hồi, bay đi Việt Nam, không phải để đánh Việt Cộng, mà người Mỹ dùng quân lực của họ bảo vệ người Mỹ và tài sản của họ trong khi rút khỏi Việt Nam. Máy bay bao vùng chỉ để đánh lại bất cứ ai, tấn công người Mỹ.
Cả nước đã bị Mỹ lừa, bán đứng Miền Nam cho Cộng Sản, đổi lấy giao hảo thương thuyết với Trung Cộng. Những lầm lẫn năm xưa, đã đưa gần 20 triệu người Việt vào hỏa ngục Cộng Sản, với tù đầy, đói khổ, biết bao người đã chết chóc khi vượt biển, vượt biên. Và bây giờ người Mỹ mới nhận chân ra là lầm lẫn, khi cả thế giới và Mỹ đang khốn đốn với Trung Cộng, trong mùa dịch Coronavirus, mà ông Tàu đã đưa đến (April 2020).
Ray, người anh rể, tôi đã gặp lại với chị Đào bên Mỹ, sau nhiều năm hai người này ở Thái Lan. Ray đã xin lỗi vợ chồng tôi trước mặt chị tôi, anh nói là, hình như DAO không muốn người Mỹ có vợ VN ở lại vào phút chót, Ray được lệnh đi Thái Lan, sửa soạn phòng ốc, và trở về. Khi tới Thái anh nhận lệnh ở lại luôn. Cái Apt. với đồ đạc của anh còn nguyên, không đem theo được gì cả. DAO đã đền cho anh hơn hai chục ngàn đô la. Ray cũng rất mừng là khi Glenn qua Thái Lan, đã báo cho anh biết, là giúp cho tôi thoát khỏi Việt Nam.
Một vài nét về những người năm xưa, đã trên cùng chuyến bay với vợ chồng tôi: - Anh Vũ Thụy Hoàng, gia đình anh đến D.C. và anh Hoàng tiếp tục làm cho Washington Post, trong “Staff writer” cho đến ngày nghỉ hưu. Anh Hoàng trước ở VN ngon lắm, anh là ứng cử viên dự khuyết của liên danh Bạch Tượng, ứng cử Thượng Viện với ông Trần Văn Lắm. Anh Hoàng là “bà” kiểm duyệt, với cái kéo to tổ bố, chuyên cắt xén báo chí VN. Sau này anh mới nói tôi:
- Moa cũng dễ dãi, bài nào đụng tới an ninh và thân Cộng thì mới kiểm duyệt, còn không moa cho qua phà hết, không khó khăn gì, đa số ký giả, người làm báo, làm văn đều là bạn bè hay quen biết cả.
Vừa làm báo Post, vừa viết văn, “Sài Gòn Tuyết Trắng và Rồng Vàng Vượt Biển” là hai tác phẩm của anh Vũ Thụy Hoàng. - Người đàn bà xinh đẹp mà tôi có hân hạnh, ngồi cạnh trên chuyến đi và bị đuổi xuống sàn là chị Thúy. Sau này tôi bạn với chị, Một hôm chị Thúy hỏi tôi và Trâm làm gì sinh sống?
- Tôi may mắn làm Computer, còn Trâm thì đi làm thợ sơn nhà.
Chị nói: - Đàn bà mà sao làm việc của đàn ông vậy, Thúy có thể giúp chị Trâm đi làm bưu điện dễ dàng.
Sau đó, tôi cảm ơn chị Thúy, Trâm đã quen việc rồi, không muốn đổi nghề. Chị Thúy khá thành công, chị đã mở một công ty“Mortgage Company” giúp tài trợ tiền cho những người muốn mua nhà. Chị Thúy không những là phu nhân của anh Nguyễn Ngọc Linh, mà chị còn là em gái của chị Hường, bạn của Trâm cùng làm Air Việt Nam. Chị Hường cũng là phu nhân của anh bác sĩ Nguyễn Dương, lưỡng quốc y sĩ, Colonel Dương, Đại Tá Mỹ, chỉ huy trưởng bệnh xá Quân Khu Thủ Đô, Fort Myer, Washington D.C. Nay đã về hưu. - Sau cùng là chị Tâm, người cùng đi chuyến bay với tôi. Chị Tâm, lớn tuổi, người Miền Nam, tính tình thẳng thắn và rất yêu nước VN. Chị đã tham gia biểu tình chống Cộng Sản. Sinh hoạt lễ Diễn Hành July 4 để cảm ơn nước Mỹ. Chị Tâm là người luôn luôn đã bỏ tiền túi, mua nước uống, làm bánh mì, đồ ăn, đồ uống, giúp đỡ những người đi biểu tình, đấu tranh cho tự do, dân chủ cho quê hương. Chị Tâm cũng yểm trợ ăn uống, cho các em trẻ tổ chức July 4 Parade. Chị Huỳnh Thị Tâm là mẫu người tiêu biểu cho những bà mẹ Việt Nam, dấn thân, yêu nước. Chị Tâm có một tâm hồn đáng kính, xa quê hương mà không quên người dân đất Việt.
Còn Cường Trâm, với may mắn chưa từng có trong cuộc đời, đã tình cờ đi khỏi VN, trong khi chồng nằm một nhà thương, vợ nằm một nhà thương, hai đứa con dại, một đứa 4 tuổi, một đứa mới đẻ có 10 ngày.
Sau 46 năm sống tại Mỹ, có tất cả 4 người con (ba gái, một trai), 7 người cháu và một mẹ già, cụ mới quá vãng cũng vào tháng 4 năm ngoái, hưởng thọ 104 tuổi đời.
Phải chăng con người có số ??
Reston, Virginia.
Viết xong đêm 21 Tháng 4, 2020. Sửa chữa March 21, 2021.
Phần Attached, phụ ghi
Thưa các anh, các chị, tôi xin chia sẻ một ít kỷ niệm của đời tôi 46 năm về trước (April 13, 1975).
Đúng ngày này 46 năm truớc tôi đã rời trận địa, giã từ vũ khí, và giờ này tôi đã nằm nhà thương Cộng Hòa với thương tích trong đầu.
Cuộc chiến đẫm máu đã xảy ra với tôi đêm mùng 7, rạng ngày 8, tháng 4, 1975. Nhờ vô cùng may mắn tôi đã thoát hiểm trong gang tấc, và chiến thắng một trận huy hoàng hôm 8 tháng 4 với 122 xác địch ngổn ngang ngoài đồng ruộng. Địch tổn thất nặng, đã phải rút ra biên giới VN và Cam Bốt bổ xung quân số, đợi tấn công đợt hai. Ta không có phi pháo nên VC ở ngoài tầm, pháo 130 ly vô số vô quận, mà không sợ bị phản pháo, vì trong trận trước hai khẩu 155 ly của tôi đã bị loại khỏi vòng chiến, nên không có súng lớn để bắn lại tụi nó. Sau chiến thắng khủng khiếp đó, VC ê càng, chỉ tấn công du kích ban đêm và ban ngày pháo lia pháo lịa vô dân chúng.
Tôi kể câu chuyện này hầu quý anh chị với hai lý do:
- Thứ nhất là vì lá cờ vàng mà tôi đã bị pháo trọng thương gần chết. Tại quận đường, có một lá cờ đại, bay ngạo nghễ trên nền trời xanh, VC cứ nhắm lá cờ đó làm chuẩn mà pháo vô quận. Đại úy Thuẫn, trưởng ban 2 Chi khu có yêu cầu tôi hạ lá cờ xuống để cho VC không có điểm chuẩn mà điều chỉnh pháo. Tôi không cho, không phải không biết, nhưng khốn nỗi, vấn đề tâm lý quan trọng, đang đánh nhau thừa sống thiếu chết, mà cuốn cờ xuống thì làng xã đồn bót nó chạy hết, vì nó cho là ông quận đã chạy rồi. Vì thế mà VC nó đã điều chỉnh và tương vào quận 1 quả 130 ly, làm tôi bể gáo nằm lăn cu lơ cán cuốc, không có Thiếu Tá Chấp đang bay hành quân liều xuống cứu bạn, thì đời tôi đã ô hô ai tai rồi.
- Việc thứ hai, là bạn có tin dị đoan không? cái đó tùy bạn, để tôi kể câu chuyện này. Tôi có hai anh đệ tử lo cơm nước là anh Huê, và anh Thành. Đánh nhau với VC gần tuần lễ, sáng hôm nay 46 năm trước. Tôi ngồi ăn cơm, đồ ăn không có gì ngoài bình chao 5 lít to tổ bố. Tôi thấy anh lính Thành, lấy hũ chao cho tôi ăn xong, anh sách đi, Thành vừa quay người đi thì hũ chao rơi trên mặt đất đổ tan tành, hôi không thể chịu được, tôi vừa quắc mắt nhìn anh ta thì quả thật, không phải thằng Thành làm rơi hũ chao xuống đất, mà nguyên cái hũ nặng quá đã nứt ra rơi xuống đất, trong khi trên tay Thành vẫn còn nguyên cái nắp của hũ chao. Tôi tái mặt cho là điềm gở, nhưng không la rầy chi hắn chỉ bảo lấy nuớc rửa đi, hôi quá trời đất. Ba tiếng đồng hồ sau, một quả đại bác rơi đúng lỗ châu mai, làm ông Trung sĩ Minh của tôi chết tại chỗ, tôi thì máu mồm máu mũi hộc ra, nằm bất tỉnh nhân sự. Còn anh lính Thành ở trong dinh lãnh nguyên một mảnh vô cổ họng, máu tuôn ra như có vòi, phun lên trần nhà, nó hộc lên một tiếng, chạy tứ tung, phòng này qua phòng khác, sau gục chết ngay phòng ăn, nơi nó làm bể hũ chao.
Sau này, anh lính Huê tới nhà thương nuôi tôi, kể chuyện này tôi mới biết và thương thằng Thành khôn tả. Khi sống nó thương tôi lo lắng cho tôi đủ chuyện, khi nó chết, tôi chẳng đền đáp nó được gì. Thật đáng thương, đáng tội cho người lính, họ hy sinh cao cả, mà không được phần thưởng hay danh dự gì. Hôm nay ngồi kể chuyện này hầu quý bạn, mà lòng tưởng nhớ một thằng em đã chết trong cuộc chiến Việt Nam.
Mong anh chị đọc để nhớ lại những ngày khốn đốn 30 Tháng tư khi nước Mỹ vì quyền lợi đã bỏ rơi VNCH.
Một nén hương lòng cho những người nằm xuống, trong đó có thằng Thành, người lính mà tôi yêu thương.
Trân Trọng.