Father’s Day – Tạ ơn Cha !

silhouettes, father and son, sunset-1082129.jpg
Kính chúc những người Cha luôn sức khỏe khi còn sống và yên nghĩ nơi cõi vĩnh hằng khi đã qua đời.

Thưa Quí Vị và các Bạn,
Có lẽ chúng ta không thể phủ nhận nước Mỹ đã có những ngày lễ rất ý nghĩa và rất nhân bản. Ngoài các ngày lễ của các tôn giáo, tất cả các quốc gia trên thế giới, nước nào cũng có những ngày lễ truyền thống như Ngày Lễ Độc Lập, Lễ Tưởng Nhớ Các Vị Anh Hùng, Năm Mới, Noel, v,v… trong khi nước Mỹ còn có thêm những ngày lễ rất ý nghĩa mà tôi lấy làm thích thú và hết lòng ca ngợi bởi những ngày lễ này đã giúp con người có những khoảnh khắc suy nghĩ và cảm nhận về mối tương quan giữa Thượng Đế và con người, duy trì và phát huy luân lý và đạo đức, nhất là liên quan giữa con người với nhau. Tôi xác nhận những ngày lễ này có tính nhân bản rất cao mà giữa tất bật cơm áo của cuộc sống, có lẽ đôi khi chúng ta ít khi nghĩ đến.
Cứ vào Thứ Năm tuần cuối của Tháng Mười Một, nước Mỹ có ngày lễ Thanksgiving – Ngày Lễ Tạ Ơn. Ý nghĩa ngày lễ này nhắc nhở chúng ta tạ ơn Trời và biết ơn người. Ngoài ơn nghĩa của Trời Đất, quả thật, bao lâu con người còn biết “ý thức” cám ơn nhau dù trong suy nghĩ hay nói ra khi nhận một “ân huệ” dù rất nhỏ từ người khác là chính văn hóa và nhân bản đang nở hoa trong cá nhân, gia đình, trong xã hội hay quốc gia ta đang sinh sống.

Tôi cảm thấy đau lòng khi nghe những câu chuyện của bạn bè, của những người thân anh em khi đã tằn tiện, dành dụm bao năm vất vả ở Mỹ để gửi về giúp đỡ vật chất và tạo mọi điều kiện cho người thân của mình được dễ dàng sinh sống và làm ăn, rồi tốn kém tiền bạc và thời gian bảo lãnh, bảo trợ đưa người thân qua Mỹ đoàn tụ … Nhưng
thú thât, mấy người bạn ấy đã chia sẻ với tôi rằng, sự biết ơn đó họ ít khi tìm thấy trên lời nói, ánh mắt, nét mặt và trong cuộc sống của những người đã thọ ơn, mặc dù lời cám ơn ấy chẳng thêm ích lợi cho người thi ơn. Trong khi Nước Mỹ và nền giáo dục đã dạy sự biết ơn và sự thành thật từ khi các cháu bắt đầu lớp tiền mẫu giáo, nghĩa là
khoảng 3,4 tuổi.

Nói như vậy không có nghĩa là xác nhận truyền thống văn hóa và lễ nghi của VN xuống cấp hiện nay, nhưng tôi nghĩ do chính sự ý thức cá nhân bắt nguồn từ một cộng đồng xã hội và ảnh hưởng nền giáo dục, chỉ chú trọng nâng cao về kỹ thuật và chủ nghĩa cá nhân, nhưng xem thường luân lý và đạo đức trong mọi sinh hoạt của con người. Tôi
nghĩ những chia sẻ ấy không phải là sự hồ đồ của mấy người bạn, nhưng là phản ảnh và hậu quả tiêu biểu nhãn tiền sau một thời gian không chịu …. mở mắt ! Có những chuyện đau lòng chỉ vì đồng tiền hoặc căn nhà hay miếng đất mà bán đứng tình nghĩa người thân. Biết đâu chính bạn cũng đã trải nghiệm điều này, phải không ?

Tôi xin bạn nhận xét và xem lại cái “văn hóa lễ phép, biết ơn và sự thành thật” hôm nay, nhất là thế hệ trẻ ở VN sau này, để thông cảm cho những gì tôi vừa đề cập. Tiếp nối những ngày lễ là Chúa Nhật tuần thứ Hai của tháng Năm là ngày lễ Morther Day – Ngày Mẫu Nhật – Ngày tôn vinh và cảm ơn người Mẹ, rồi sau đó là Chúa Nhật tuần thứ ba của Tháng Sáu lại có ngày Father Day – Ngày tôn vinh và ghi ơn người Cha. Ôi ý nghĩa quá ! Tôi xin miễn bàn và ghi chép hai ngày lễ này. Vì trong mỗi chúng ta ai sinh ra và được sống trên cõi đời này cũng………….

Thay cho “lời bàn và ghi chép” xin được chia sẻ bài hát và diễn ảnh TẠ ƠN CHA:

Cha vươn đôi cánh tay dài
chở che mọi nẻo chông gai
Cha cho con dáng hình hài
giúp con nhận biết phải sai
gương Cha trí dũng như sóng trào
cho con nhân cách thanh cao
ngời sáng như trăng sao
dẫu đời sống có xôn sao
ôi tình Cha luôn dạt dào
Tạ ơn Cha muôn đời
nuôi dưỡng con trong đời
vạn vật có đổi dời
dù bão tố mưa rơi
thì tình Cha vẫn mãi không vơi
Tạ ơn Cha những ân tình
mà Cha đã quên mình
đời Cha mãi hy sinh
bao bọc con sống yên bình
cho con an vui đẹp xinh
và được phúc vinh.

Kính chúc những người Cha luôn sức khỏe khi còn sống và yên nghĩ nơi cõi vĩnh hằng khi đã qua đời. Xin mọi người cầu nguyện cho Cha của tôi là linh hồn Giuse sớm về hưởng phúc trên thiên đàng, và kính chúc mọi người có một ngày lễ ý nghĩa bên cha mẹ và gia đình của mình.

Văn Duy Tùng

Author