HỘI HỌA -tập 1 – NGUYỄN SƠN Germany

MÙA THU NHỚ NHUNG ...

Nhấn vào bất cứ ảnh nhỏ nào bên trên để xem ảnh lớn và nhấn vào dấu < hoặc > để xem các ảnh lớn khác

************************

Trò Chuyện với Nhiếp Ảnh Gia kiêm Họa Sĩ Nguyễn Sơn
Nguyễn Đạo Huân
Sydney/ Australia /11/2010

Xin kính chào anh Nguyễn Sơn, tôi Nguyễn Đạo Huân phụ trách trang nhiếp ảnh của VNTBUC rất hân hạnh được thưa chuyện cùng anh. Xin anh vui lòng cho độc giả biết đôi nét về tiểu sử cùng những họat động nhiếp ảnh, hội họa trong thời gian qua ? ( Có tham dự các cuộc triển lãm thi ảnh, tranh nghệ thuật quốc gia hay quốc tế nào ? và các giải thưởng nếu có…

Nguyễn Sơn – Trước hết tôi xin hân hạnh được biết anh và Văn Nghệ Tuần Báo Úc Châu.
Và sau đây xin trả lời những câu hỏi của Anh Nguyễn Đạo Huân:
Tôi là Nguyễn Văn Sơn, sinh ngày 08 tháng 08 năm 1950. Sinh quán ở Hà Nội Bắc Việt. Theo Bố Mẹ di cư vào Nam năm 1954.
Học trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định Sài Gòn Việt Nam.
Sau đó học Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định Sài Gòn Việt Nam.
Dậy vẽ tại Art Studio tại ngã tư Phú Nhuận, Gia Định.
Đã nhiều lần triển lãm tranh tại Việt Nam như ở Sài Gòn, Phòng Triển lãm Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hoà, do Họa Sĩ Phạm Thăng tổ chức cho tôi.
Và Triển lãm sau năm 75 chung cùng các Họa Sĩ Hiếu Đệ, Trần Đắc,…
1980: Rời ViệtNam tới Đức do tầu Cap Anamur vớt ngoài biển đông.
Tới Đức tiếp tục học Restaurieren (Sửa chữa, phục hồi, tu bổ lại những hình tượng, tranh ảnh bị hư hại).
Làm việc trong Museum Hannover Germany. Và sau đó được gởi đi học về Fotografische-Dokumentation-Makrofotografie cho Restauratoren. (Phương pháp chụp ảnh tài liệu được rọi to)
Học tiếp Werbungstechniker und Design ( Kỹ Thuật Quảng cáo và trình bày).
Làm việc Werbungstechniker und Design cho hãng Otto Germany.
Từ năm 1981 đến 1988: triển lãm nhiều nơi trên nước Đức như Hannover, Obernkirchen, Bonn, Statthagen, Sindelfinggen, Stuttgart, Berlin.
Từ ngày tới Đức, tôi sinh họat với các Hội Đoàn Việt tỵ nạn CS, và các anh em Họa Sĩ Việt Nam và cùng tổ chức chung triển lãm, cũng như sinh hoạt và triển lãm chung trong Hội Họa Sĩ Đức.
Tôi không bao giờ có ý định là tham dự các cuộc thi nhiếp ảnh cả, dù có rất nhiều người đề nghị tôi, như Anh Nhiếp Ảnh Gia Lê Văn Khoa, nhưng tôi vẫn từ chối. Tôi có lý do riêng của tôi.

NDH – Theo đuổi và đam mê 2 môn nghệ thuật sáng tạo là nhiếp ảnh và hội họa cùng một lúc, anh có đủ thời gian, tài chánh để làm việc trọn vẹn không ? một điều quan trọng là những tác phẩm của tác giả có bán được không ? rất nhiều nghệ sĩ thích sáng tạo đã phải bỏ cuộc vì những họat động nghệ thuật của mình không đem lại lợi nhuận – gây khó khăn cho gia đình…

Nguyễn Sơn – Như Anh cũng biết đó, làm nghệ thuật thuần túy thì lúc nào cũng rách và đói lắm anh ạ. Phần nhiều bỏ bê gia đình, tội nghiệp bà xã tôi đã khổ vì tôi qúa nhiều. Có nhiều lần hứa sẽ đi tìm việc làm để giúp đỡ gia đình một phần, rồi lời hứa cũng đâu vào đấy. Cái thích thú của người làm nghệ thuật là vẽ vời, hội hè triển lãm và quen biết rất nhiều người có tiếng tăm, đi đâu cũng có người bắt tay chào hỏi nhưng cái buồn khổ là đêm về lủi thủi một mình, vợ chịu không nổi bỏ về nhà mẹ ở, lúc nào cũng đói rách, túi rỗng không tiền. Cuối cùng tôi nghĩ nếu tình trạng này cứ diễn ra tiếp tục tôi sẽ mất gia đình. Theo lời khuyên của Bà xã, tôi ghi danh xin học Restaurieren (Sửa chữa, phục hồi lại các hình tượng và tranh ảnh bị hư hại). Chương trình học 4 năm. Khi thi đậu, tôi được phép học có 2 năm nếu tôi muốn, vì tôi đã có bằng tốt nghiệp Hội Họa.
Sau 2 năm học xong tôi được nhận vào làm trong Museum Hannover Germany nơi tôi ở. Và từ đó gia đình tôi mới khấm khá, cuộc sống cũng ổn định và thật tốt đẹp. Như vậy tôi đã bỏ sinh hoạt văn nghệ, không vẽ vời, chụp ảnh cho đến 2005, tổng cộng là 12 năm để lo nhiệm vụ của người chồng người cha.
Bây giờ thì tôi có rất nhiều thì giờ, không còn lo cơm áo nữa, con gái tôi năm nay 20 đã vào đại học rồi.
Hiện nay tôi còn đi làm 4 tiếng một ngày, tới tháng 9 năm 2011 tôi về hưu sớm (60), việc làm cũng không bận rộn cho lắm. Sau giờ tan sở nếu trời còn đẹp và có hứng, tôi đi tìm để sáng tác ảnh, cuối tuần rảnh rỗi đem sơn cọ ra vẽ, không cần tiền, nên không có ý định bán tranh, ảnh. Chụp hay vẽ chỉ để thỏa thích sự đam mê và tìm niềm vui qua ngắm tranh , ảnh của mình và chia sẻ niềm vui ấy với những người thích ngắm tranh, ảnh và bạn bè. Thời gian cuối đời tôi sẽ dành hết thì giờ cho nghệ thuật mà tôi đam mê.

NDH – Những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong quá trình sáng tác ? Anh nghĩ thế nào về sự liên hệ giữa tranh và ảnh ? liệu những tác phẩm nhiếp ảnh có sự pha trộn của hội họa có làm mất đi sự trung thực vốn dĩ là đặc điểm mạnh nhất của nhiếp ảnh không ?

Nguyễn Sơn -Sự liên hệ giữa tranh và ảnh như chị với em, như hai mà một, vì cả hai sử dụng ngôn ngữ bằng mắt.
Tuy là một, nhưng tranh vẫn là tranh, ảnh vẫn là ảnh, đừng cố làm ảnh thành tranh như đem ảnh in lên vải bố, hay dùng mầu và cọ của Photoshop mà tô và vẽ lên. Tôi đồng ý đó là những tìm tòi và sáng kiến. Cũng như biết bao nhiêu nhiếp ảnh gia Đông và Tây ngày xưa họ cũng đã thử nghiệm rồi, bằng mầu thuốc tô lên hình đen trắng. Người nghệ sĩ sáng tạo một tấm ảnh hay một bức tranh đều phải đi đến bố cục, góc chụp, góc vẽ, mầu sắc, đường nét, sắc độ. Và vì có sự liên hệ giữa chụp ảnh với hội họa nên khi học, tôi cũng học ít hơn những người bắt đầu chương trình học.
Có phải vì từ khi có Photoshop trợ giúp cho nhiếp ảnh, người sử dụng đã lạm dụng qúa nhiều, hoặc nhiều người không thấu hiểu rõ sự phát triển mạnh của nhiếp ảnh ngày nay nên bị lẫn lộn giữa Hội họa và Nhiếp ảnh? Ngày xưa về lịch sử hội họa vào thời hang động, người họa sĩ lấy đá lấy than vẽ khắc lên vách đá. Đâu có trường phái Dã Thú (Fauvisme), Ấn tượng (Impressionnisme), Vị Lai (Futurisme), Lập Thể (Cubismé), v..v..
Cũng như nhiếp ảnh từ các thập niên trước bị cô động nằm tại chỗ ngoài hình căn cước, ghi nhận, báo chí, tài liệu cho tới chân dung, phong cảnh rồi đến ảnh nghệ thuật là hết.
Có phải từ khi Photoshop ra đời đến nay đã đưa nhiếp ảnh lên cao hơn nên mới sanh ra đời những trường phái như: -Fine Art composings. –Surrealistische composings. –Fotorealismus. –Comic Art Composings. –Hyperrealismus. –Fashion Composings. –Digitale Stillleben. v..v..
Và hiện nay các trường Đại Học Nghệ Thuật Nhiếp Ảnh đã dậy cho sinh viên những môn học đã ghi trên và phải dùng Photoshop và máy vi tính.
Phát triển để tiến lên đó là tiến trình của nhân lọai, ai chống lại và cứ khư khư ôm giữ lại những gì mình đã làm cho là đúng, thì sẽ bị phế thải trong tương lại. Những điều kiện của nhiếp ảnh thời nay là phải biết sử dụng máy vi tính (Computer) cách in và program Photoshop.
Để phân tách một cách cho rõ hơn giữa NA và HH để các bạn hiểu. Một bức tranh hoàn toàn do người tạo ra, còn hình Photo là từ máy móc do con người điều khiển mà ra, dù có vẽ theo khảo sát cho giống 100% người ta vẫn nói là vẽ giống qúa như là thật vậy, có nghĩa là không thật.
Còn một bức ảnh chụp một người nào đó, người ta sẽ nói đó là hình ông A, đó là sự xác nhận 100% là thật.
Thêm rõ hơn ví dụ một người ăn cắp lấy ví của người kia, nếu là họa sĩ vẽ cấp tốc để làm bằng chứng thì người ta có thể phủ nhận được, còn nếu ông chụp ảnh thì không có thể chối cãi vào đâu cho được.
Như vậy chúng ta đã hiểu rõ ràng giữa HH và NA khác biệt nhau như thế nào rồi. Nếu khác biệt như thế thì làm sao mà là hai chị em, như hai là một? Vì NA được chia ra làm 2 phần. Phần 1 là hình căn cước, hình tài liệu, hình báo chí. Còn phần thứ hai của nhiếp ảnh là hình nghệ thuật và các trường phái khác. Phần 2 này có nghĩa là phần hội họa của nhiếp ảnh, chỉ khác nhau là họa sĩ dùng bằng cọ, nhiếp ảnh dùng bằng máy.
Hình nghệ thuật và các thể loại khác của nhiếp ảnh cái chính là người nghệ sĩ diễn đạt làm sao để đưa đến cho người thưởng ngoạn một cảm xúc. ( Cắt ráp, thêm bớt, sửa chữa bằng cách này hay cách nọ đó là chuyện của người sáng tạo)
Thật ra từ nguyên nhân nhầm lẫn giữa HH và NA là vì phần đông người chụp ảnh, nhiếp ảnh và nhiếp ảnh gia tự học hoặc đã học qua một lớp do các đàn anh có kinh nghiệm hướng dẫn lại nên mới như vậy. Nếu các bạn đã được đào tạo ra từ một trường chuyên nghiệp thì không lẫn lộn vào đâu được.

NDH – Dự tính trong tương lai của anh như thế nào ( triển lãm, in sách, dạy học nhiếp ảnh..).
Nguyễn Sơn – Dự tính thì tôi có rất nhiều dự tính, không biết mình còn sống đến ngày đó để thực hiện cho xong dự tính hay không. Thì thôi, làm được những gì mình có thể làm.
Còn vấn đề dậy học, hiện nay tôi cũng đã nhận dậy 1 tuần 3 ngày vào buổi tối cho trường VSH Hannover (Volkshochschule Hannover.)
Còn in sách nhưng phải chờ khi nào về hưu thì mới có nhiều thì giờ sọan lại và viết bài để làm và cho in.

NDH – Những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong quá trình hoạt động nghệ thuật ? ngoài công việc sáng tạo, anh có sở thích nào khác ( đi câu cá , thể thao, âm nhạc, làm thơ…)
Nguyễn Sơn – kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong quá trình hoạt động nghệ thuật của tôi ư ? Tôi có nhất thiết cần phải nói ra không ? Vào những năm 1975-1980. Tôi chỉ thích nói ra những gì có tính cách học hỏi và xây dựng, còn ngược lại thì tôi không quen nói. Ngoài ra vì ham mê hoạt động nghệ thuật tôi đã bỏ bê gia đình như tôi đã viết trên.
Sở thích của tôi là du lịch. Thích đi nhiều để nhìn nhiều, thấy nhiều. Vì thế tôi mới xin về hưu sớm ( 60) để còn sức tha hồ mà đi. Còn âm nhạc, thích nghe nhạc hòa tấu và nhạc tiền chiến. Về thể thao tôi đi bơi lội thường xuyên.

NDH – Anh có nhận xét gì về nhiếp ảnh nghệ thuật của Việt Nam trước và sau 1975 ? Sau cùng anh có lời nhắn nhủ nào đế các đồng nghiệp, những thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam trẻ yêu thích bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật ở khắp nơi ?
Nguyễn Sơn -Vào thập niên 60 tại Việt Nam thì có các nhiếp ảnh gia như Lê văn Khoa, Nguyễn Mạnh Đan, Cao Đàm, Cao Lĩnh, Phạm văn Mùi, Nguyễn Ngọc Hạnh. v..v..Vào mỗi thời có cái nhìn của nó, cái đẹp của nó. Người làm nghệ thuật vào thập niên 60 ở Việt Nam thiếu thốn mọi thứ từ vật dụng cho đến tài liệu và kỹ thuật cũng rất là hạn hẹp không có phong phú như bây giờ, thế mà họ cũng để lại bao nhiêu là ảnh nghệ thuật cho đời. Tôi xin nghiêng mình khâm phục.
Còn sau 75 trong nước và ngoài nước phải nói là thời gian này được gọi là trăm hoa đua nở, rất là phong phú và nhộn nhịp. Nhưng phần đông chưa định được hướng đi cho mình thừơng chạy theo những gì mà đàn anh mình đã đi. Nhưng tôi nghĩ ban đầu như thế để tập luyện cho nhuần nhuyễn rồi sau đó chọn hướng đi cũng chả sao.
Tôi xin có đôi lời nhắn nhủ với các em mới bước vào Hội Họa và Nhiếp ảnh, nếu mình đam mê và yêu thích thì nên luôn luôn học hỏi dù có biết cũng học hỏi để bổ túc thêm cho những gì mình đã biết, và mở tầm nhìn thật xa và rộng, dù chuyên môn có cao đến đâu đi nữa mà kiến thức hẹp hòi thì cũng không phát triển gì hơn được, đôi khi làm ngược chiều mà cũng không biết. Dù là bất cứ ngành nghề gì đi nữa hay bằng cấp có cao cách mấy đi nữa, mà thiếu kiến thức đôi khi trở nên vô ý thức.
Đừng vội phải đem hình đi dự thi ảnh, hãy để nhiều thì giờ học hỏi và tập cho mình cái thói nhận xét ảnh và xem ảnh. Xem thật nhiều, đến một lúc nào đó bạn tự nhìn thấy thật rõ từng chi tiết trong ảnh và sẽ phân biệt được rất rõ một ảnh đúng hay sai. Như thế trình độ ảnh của bạn đã cao rồi đó.
Người thưởng thức ảnh có tình độ thưởng thức cao sẽ trở thành là người giám khảo ảnh. Còn người chụp ảnh đẹp, chỉ là người dự thi ảnh mà thôi.
Trong thời gian còn học trong trường nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chúng tôi được hướng dẫn đi xem ảnh triển lãm rất nhiều, và chúng tôi có rất nhiều thì giờ cho môn xem ảnh và phê bình ảnh, để đo trình độ học của mình.
Và một điều quan trọng nữa là: Người có học cũng chưa hẳn là hay hơn người có năng khiếu. Nhưng người có năng khiếu mà không có học thì… các bạn cũng biết đó sẽ tại hại như thế nào.
Và sau cùng tôi xin cám ơn Văn Nghệ Tuần Báo Úc Châu và Anh Nguyễn Đạo Huân. Kính chúc Văn Nghệ Tuần Báo Úc Châu thành công trên con đường bảo trì và phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam Hải Ngoại. (Nguyễn Sơn. Hannover Germany).

NDH – Thay mặt ban biên tập VNTBUC cám ơn anh Nguyễn Sơn, xin chúc anh luôn có nhiều tác phẩm nghệ thuật ưng ý nhất và gia đình luôn bình an – hạnh phúc. Muốn liên lạc và xem thêm những bài viết và tác phẩm của Nguyễn Sơn quí độc giả có thể vào: https://loanguyenson.wordpress.com

Nguyễn Đạo Huân