Người nơi xa xăm phương trời ấy
người còn buồn, còn thương, còn nhớ
Nắng phai rồi em ơi!…
“Nắng phai rồi, em ơi!” thì không phải là nhạc xuân vui tươi rồi, nhưng cũng không hẳn là buồn bã, nếu có buồn chỉ là cái buồn phơn phớt, nhè nhẹ như làn mưa phùn ngày xuân. Bài hát kể về một chuyện tình; nói đúng hơn, một chuyện “tình viễn xứ”.
Người về còn nhớ khúc hát
người yêu dấu bên bờ thành Vienne…
“Khúc hát” ấy là bản đàn “A beautiful Vienna” mà chàng nghệ sĩ tài hoa đã dạo lên trên bờ biển vắng Hạ Uy Di bằng thanh âm réo rắt, du dương từ chiếc đàn Hạ uy cầm yêu quý của chàng một chiều xuân nào, làm xao xuyến trái tim cô gái bản xứ xinh tươi mang dòng máu Franco-Indo. Chuyến du học kết thúc, chàng trở về nước mang theo câu chuyện tình thơ mộng như những hàng dừa thơ mộng nằm nghiêng bóng bên bộ biển xanh cát trắng để viết nên khúc nhạc tình gởi về “người nơi xa xăm phương trời ấy”.
“Khúc nhạc tình” ấy, bài nhạc xuân ấy, được cất lên lần đầu tiên qua tiếng hát Lệ Thanh, một trong những giọng hát rất quen thuộc vào đầu thập niên 1960’s, là một giọng khá đặc biệt:
Thứ nhất, giọng ấy nghe nghèn nghẹn, rưng rưng mà nhiều người vẫn quen gọi là “giọng mũi”, nghe tựa giọng người bị… cảm (khiến nhiều người phải “cảm” lây). Giọng mũi tự nhiên và nhiều nữ tính ấy vừa mềm mại dịu dàng vừa có một vẻ gì hờn trách, nũng nịu.
Thư hai, giọng ấy có lối luyến láy “ngẫu hứng” thật ngọt ngào, và khá lạ vào thời ấy.
Chiều nay thấy hoa cười… chợt nhơ … ớ… một người
Những nốt láy ở chữ “nhớ” ấy vẽ lên một nét nhạc đẹp, nghe như một nỗi nhớ da diết.
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhơ… ớ…
Lại một nét láy khác, rơi vào chữ “nhớ” khác. Bài hát có đến… năm chữ “nhớ”, bao nhiêu “nhớ” là bấy nhiêu… nét láy. Cái khéo là người hát chọn “láy” vào những chữ nào, nốt nhạc nào làm gợn lên những cảm xúc dạt dào.
Người nơi xa xăm phương trời â… ấ… y…
Nét láy lượn ở cuối những câu hát gợi một cảm giác mênh mang, vời vợi.
Chiều nay hoa xuân bay nhiều qu… a… á…!
Nghe chuỗi láy ấy tưởng thấy được bao nhiêu là cánh hoa tản mác bay trong gió chiều. “Hoa xuân bay nhiều quá”… cho lòng nhớ nhung, cho tình vấn vương. Nhìn cánh hoa bay xuân này, nhớ mùa xuân nào viễn xứ.
Author
-
Sinh năm 1949 tại Hà Nam - Cựu sĩ quan Quân Lực VNCH, đến Hoa Kỳ năm 1994. Từng điều hành một trường dạy Việt ngữ ở tiểu bang Washington trong nhiều năm. Cộng tác với các báo văn học (truyện, biên khảo, nhận định về văn học, ngôn ngữ, âm nhạc…). Hiện định cư tại Seattle, tiểu bang Washington (USA).
View all posts