Lệ Thanh, còn “Nhớ một chiều xuân”

Chiều nay thấy hoa cười chợt...nhớ một người

Người yêu dâ… ấu… bên bờ thành Vienne

Nét uốn lượn mềm mại ở “yêu dấu” ấy làm dậy lên một tình cảm… dấu yêu.

Chiều xuân có một người ngơ ng… ác đi tìm

Cái nhấn giọng ở “ngơ ngác” ấy nghe sao mà… ngơ ngác, mà thẫn thờ. Lối nhấn nhá một nốt nhạc ấy cũng tô đậm thêm tình cảm trong câu hát. Giọng mũi “trời cho” ấy, lối nhấn nhá và láy lượ n những nốt nhạc ấy đã làm nên tiếng hát Lệ Thanh, và cũng là cái duyên trong giọng hát chị mà dẫu ai có muốn bắt chước cũng không dễ chút nào. Khi người ta cố ý làm duyên thì… không còn là “duyên” nữa.
“Chị là một trong những ca sĩ đầu tiên đã hát với giọng luyến láy ‘gây mê’ ấy,” tôi nói với chị Lệ Thanh, “để cho các ca sĩ về sau này cũng… luyến láy theo.”

Tôi không rõ là tác giả các bài nhạc có nhăn mặt, nhíu mày khi nghe cô ca sĩ luyến láy những nốt nhạc không phải là những… nốt láy trong bài? Hỏi nhạc si Tuấn Khanh (tác giả nhiều ca khúc từng được thể hiện qua tiếng hát Lệ Thanh như “Dưới giàn hoa cũ”, “Hoa soan bên thềm cũ”, “Đồi sim”, “Chiều biên khu”, “Đêm này nghỉ đỡ chân”…), ông nói, “Tiếng hát Lệ Thanh rất ‘ăn khách’ vào thời ấy với giọng thật lạ và cách luyến láy cũng lạ nữa. Những nốt láy lượn kết thành một chuỗi âm thanh rập rộn mà óng ả chứ không ‘lơi lả’ như là các kiểu láy về sau này. Tôi không thấy nhạc sĩ nào tỏ dấu phiền hà về lối luyến láy ấy, hơn thế nữa cứ giọng hát nào chinh phục được trái tim người nghe là giọng hát ấy được cả thính giả lẫn tác giả bài hát yêu thích.”

Thường thì người nhạc sĩ sáng tác sẽ chọn giọng hát nào đó phù hợp để “gởi gấm” một sáng tác mới của mình với sự tin tưởng rằng giọng hát ấy thể hiện được tình cảm của bài nhạc, và người nghe sẽ yêu thích bài hát qua giọng hát ấy. Tại sao lai Lệ Thanh mà không phải là ca sĩ nào khác cho “Nhớ một chiều xuân”?

Hỏi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, ông nói, “Cấu trúc bài nhạc ‘Nhớ một chiều xuân’ bắt nguồn từ kỹ thuật ‘đánh chặp dây Arpèze’ của đàn Hạ uy cầm, khi thì chận tiếng, lúc thì vuốt dây lã lướt, tựa như từng đợt sóng nhỏ vỗ vào bờ cát trắng Waikiki của quần đảo Hawaii, nơi tôi từng hòa nhạc cùng các nhạc sĩ đường phố Honolulu năm nào (1957). Những nốt nhạc Hạ uy cầm láy lượn trong ‘Nhớ một chiều xuân’ rất phù hợp với giọng luyến láy đặc biệt của Lệ Thanh, ca sĩ đầu tiên hát bài này trong ban nhạc Tiếng Thời Gian của Đài phát thanh Saigon, như một sự trao gởi có chọn lọc của tôi dành cho cô ca sĩ này. Dòng suối nhạc mênh mang từ miền địa đàng trần thế Hawaii quyện trong tiếng đàn Hạ uy cầm du dương hòa cùng giọng hát gợi cảm của Lệ Thanh và lời chào lạ lùng ‘Aloha! Aloha!’ vọng lên từ xứ sở thần tiên rì rào tiếng sóng. Tất cả, hợp thành một tấu khúc mùa xuân tuyệt diệu.”

Dòng hồi ức và mạch cảm xúc tràn bờ của tác giả “Nhớ một chiều xuân” cho thấy giọng luyến láy của cô ca sĩ được xem là cách thể hiện mang tính thẩm mỹ tình cảm của bài nhạc.

Author

  • Sinh năm 1949 tại Hà Nam - Cựu sĩ quan Quân Lực VNCH, đến Hoa Kỳ năm 1994. Từng điều hành một trường dạy Việt ngữ ở tiểu bang Washington trong nhiều năm. Cộng tác với các báo văn học (truyện, biên khảo, nhận định về văn học, ngôn ngữ, âm nhạc…). Hiện định cư tại Seattle, tiểu bang Washington (USA).

    View all posts