Lệ Thanh, còn “Nhớ một chiều xuân”

Chiều nay thấy hoa cười chợt...nhớ một người

Tôi nhớ, trong lần tiếp xúc với tác giả “Ai lên xứ hoa đào” ở… “xứ hoa đào” nam 1971 (ông tham dự khóa học trung cấp tại trường đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt), ai đó nhắc đến bài “Ai lên xứ hoa đào” và nói rằng thành phố Đà Lạt đẹp hơn, đáng yêu hơn nhờ bài hát ấy. “Không hẳn là vậy”, nhạc si Hoàng Nguyên nói. “Đúng ra là nhờ giọng hát ấy, giọng hát Lệ Thanh.”

Không chỉ những bài nhạc xuân vừa kể, người ta còn nghe được Lệ Thanh qua những “Hoa xuân” (Phạm Duy), “Cánh hoa xuân” (Nguyễn Hữu Thiết), “Gái xuân” (Từ Vũ & Nguyễn Bính), “Phiên gác đêm xuân” (Nguyễn Văn Đông), “Bài thơ hoa đào” (Hoàng Nguyên”), “Cánh thiệp đầu xuân”, “Hạnh phúc đầu xuân” (Minh Kỳ & Lê Dinh)… Tiếng hát ấy đủ mang về một mùa xuân.

“Chiều nay hoa xuân bay nhiều quá!…”

Tạp chí Maclean’s (Canada), số đầu tháng 2/1976, đăng một bài tường thuật về cái Tết của cộng đồng người Việt ở Montreal vào mùa xuân tha hương đầu tiên của những người bỏ nước ra đi sau tháng Tư nam 1975. Trong chương trình ca nhạc sau đó, người ta giới thiệu một nữ ca si tên tuổi ngày trước trình bày bài hát “Đêm Đông” của Nguyễn Văn Thương. giọng hát rưng rưng cảm xúc.

Đêm đông / xa trông cố hương buồn lòng chinh phu…
Đêm đông / ta mơ giấc mơ… gia đình yêu thương…

Giọng hát như nghẹn lại. Tiếng hát đổi thành tiếng nấc… Cô ca sĩ không hát tiếp được, ngập ngừng nói lời xin lỗi khán giả, lau vội ngấn nước mắt, bước vội vào hậu trường. Bên dưới, mọi người cũng lặng đi một lúc vì cùng chung một nỗi đau, một nỗi mất mát, ngậm ngùi. Nhiều người hôm ấy nghe giọng hát quen thuốc nhận ra được cô ca sĩ ấy là ai. Đó là lần “trình diễn” đầu tiên của Lệ Thanh ở hải ngoại.
Nỗi thương quê nhớ nhà trào ra thành những giọt nước mắt. Lệ Thanh là vậy, là dạt dào tình cảm, là rưng rưng nỗi niềm, như giọng hát rưng rưng của chị.

Giọng hát ấy, tôi nhớ, cũng từng được đặt tên.
“Bây giờ chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu giọng ca trìu mến của Lệ Thanh trong một nhạc phẩm của Phạm Mạnh Cương, ‘Nỗi buồn ngày tháng cũ’.” Những lời ấy nghe được trong một băng nhạc Tú Quỳnh (nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện) rất được yêu chuộng ngày trước. “Giọng ca trìu mến”, Như Hảo, người giới thiệu chương trình, đã gọi Lệ Thanh như thế. Tôi thích cách gọi ấy, và cũng khó mà tìm được tên gọi nào đúng hơn để nói về một giọng hát thật mềm mại, thật dịu dàng, và cũng thật… trìu mến.

Author

  • Lê Hữu

    Sinh năm 1949 tại Hà Nam - Cựu sĩ quan Quân Lực VNCH, đến Hoa Kỳ năm 1994. Từng điều hành một trường dạy Việt ngữ ở tiểu bang Washington trong nhiều năm. Cộng tác với các báo văn học (truyện, biên khảo, nhận định về văn học, ngôn ngữ, âm nhạc…). Hiện định cư tại Seattle, tiểu bang Washington (USA).

    View all posts