Lệ Thanh, còn “Nhớ một chiều xuân”

Chiều nay thấy hoa cười chợt...nhớ một người

Giọng Lệ Thanh không được kể là làn hơi phong phú, kỹ thuật ngân, rung… không được kể là điêu luyện. Những người yêu giọng hát chị có vẻ không trông đợi ở chị những cách “tạo dáng” ấy. Người ta nghe một bài hát là lắng nghe những cảm xúc đến từ một giọng hát hơn là nghe những phô diễn kỹ thuật. Một giọng hát hay là giọng hát “bắt” được và thể hiện được những tình ý của bài nhạc và truyền được những rung cảm đến người nghe. Một giọng hát hay, trong một nghĩa nào đó, còn là giọng hát tạo được mối dây tình cảm gần gũi giữa người hát và người nghe.

Giọng Lệ Thanh là giọng hát như thế. Tôi hiểu được vì sao nhiều người thích nghe chị, chính là vì cảm giác gần gũi và ấm áp chị mang đến cho người nghe, chính là vì những tình cảm trìu mến chị gởi theo tiếng hát. Điều này cũng khiến người ta không chỉ yêu giọng hát chị mà còn yêu cả bài hát được chị thể hiện. Nghe Lệ Thanh, người ta có cảm tưởng chị hát thật dễ dàng, thật tự nhiên mà óng chuốt, mà sang cả, như một vẻ đẹp thầm lặng mà quyến rũ, mà mê hoặc, như một nỗi hẹn hò lửng lơ mà làm dậy lên những khát khao mơ hồ.

Tiếp xúc, chuyện trò với chị Lệ Thanh dễ có cảm giác tương tự, một cảm giác thật dễ chịu. Chị có giọng nói êm dịu và từ giọng nói, tiếng cười chị toát lên một vẻ tự nhiên và giản dị như tính cách bình dị, đơn sơ của chị.

Thời của Lệ Thanh là thời của những giọng hát thực sự là giọng hát, là thời người ta “nghe” hát hơn là “xem” hát, và người ta yêu thích một giọng hát mà có khi chỉ biết tên, chưa hề biết mặt.

Không chỉ đặc biệt ở giọng hát thôi, còn phải kể thêm một cái “đặc biệt” nữa ở Lệ Thanh: đang lúc giọng hát của chị rất là “ăn khách”, đang lúc sự nghiệp ca hát của chị lên đến “tột đỉnh danh vọng” (theo cách nói thuở ấy), chị bất ngờ… biến mất, bất ngờ quay lưng với “ánh đèn màu” lung linh để đổi lấy hạnh phúc êm đềm dưới một mái ấm gia đình, như câu hát quen thuộc người ta từng nghe chị hát.

Từ khi sánh vai lên đôi bạn hiền
đêm về nghe con khóc vui triền miên…
(“Ngày hạnh phúc”, Lam Phương)

Author

  • Lê Hữu

    Sinh năm 1949 tại Hà Nam - Cựu sĩ quan Quân Lực VNCH, đến Hoa Kỳ năm 1994. Từng điều hành một trường dạy Việt ngữ ở tiểu bang Washington trong nhiều năm. Cộng tác với các báo văn học (truyện, biên khảo, nhận định về văn học, ngôn ngữ, âm nhạc…). Hiện định cư tại Seattle, tiểu bang Washington (USA).

    View all posts