Ánh nắng bình minh nhẹ nhàng xuyên qua cành cây kẽ lá. Đàn chim tung tăng nhảy nhót, líu lo chào mừng ngày mới. Trên cao trời xanh trong vắt, các khóm hoa, bụi cỏ còn ướt hơi sương. Thu đã đến rồi. Những người đi bộ trên con đường trước nhà đều mặc thêm áo khoác nhẹ. Mấy khóm cúc vàng nở rộ khoe sắc màu rực rỡ trông vui mắt, quyến rũ bướm ong. Từ mấy tuần trước chúng đã hé nụ vàng bé bé xinh xinh. Đó đây, siêu thị và những nơi bán cây cảnh bày rất nhiều hoa cúc: vàng, tím, cam, trắng… Hôm qua đi ngang qua bãi đậu xe ngân hàng cũng thấy họ bày bán các chậu hoa cúc lớn nhỏ, bên cạnh đống bí đỏ xếp thành hình kim tự tháp. Hình người nộm thân bằng rơm, đội nón, mặt trắng môi đỏ, tay cầm cây gậy đứng bên các kim tư tháp bí đỏ. Mấy cây bắp khô cao, thẳng đứng bày bên cạnh các người rơm mang cà vạt bảnh bao.
Với tôi, mùa Thu có nhiều kỷ niệm vui và buồn. Cách đây hơn 30 năm nơi xứ Cờ Hoa vào mùa Thu người bố yêu quý của các con tôi đã rời bỏ gia đình thân hữu về cõi vĩnh hằng, khi các con còn đang đi học. Buồn ơi là buồn. Mất bờ vai nương tựa, ai là người dìu dắt các con thơ nơi xứ lạ quê người! Mùa Thu năm ấy thật ảm đạm, buồn hiu hắt. Tôi làm việc như điên cho đến khi các con tốt nghiệp. Cũng may nhờ ơn trên, các con có học bổng toàn hay bán phần và mọi việc rồi cũng ổn định. Tôi có dâu, có rể, có cháu trai cháu gái. Khi cháu nội học lớp 1, tôi giữ phần đưa đón các cháu đi học vì lúc đó tôi đã nghỉ hưu. Tôi cũng thường theo cháu làm bảo mẫu khi cháu đi dã ngoại do trường tổ chức. Trường tư vùng Hoa Thịnh Đốn các lớp nhỏ từ lớp 1 đến lớp 4 thường được nhà trường cho đi dã ngoại vùng ngoại ô cách trường khoảng 1 tiếng lái xe hay hơn chút ít. Nơi đó các em được xem gà, vịt, ngỗng, heo, cừu… thật chứ không phải chỉ thấy qua màn ảnh hay hình vẽ. Các học sinh còn được cho xem các cây con để trong nhà kính chờ ngày đem trồng xuống đất. Có khi các cô cậu tí hon được đưa đi sở thú xem cá, chim, rắn, voi… Vào mùa Thu các học sinh má phính môi hồng còn được nhà trường cho đi xem ruộng trồng bí đỏ. Những trái bí to được hái vào chất đống ở sân trang trại chờ đưa đi các nơi tiêu thụ, bán lẻ ở các siêu thị. Theo người chủ trại họ chỉ hái những trái bí to, những trái bé thì để cho lừa, dê, cừu ăn trước khi cho máy cày ủi, xới đất trồng mùa mới. Các em mầm non thích lắm nhưng nhà trường thì bận và cực hơn ngày thường.
Mỗi khi đi dã ngoại phụ huynh được nhà trường cho bảo mẫu đi cùng đứa trẻ nếu muốn và phải đóng số tiền nhỏ. Học sinh miễn phí. Lúc đi gần cả chục chiếc xe bus chở học sinh chạy trên đường một dọc dài trông thật vui mắt. Mỗi chiếc xe là một lớp học. Trên xe, ngoài học sinh có 1 cô giáo và vài ba bảo mẫu. Thật ra cẩn thận thì đi theo để trông nom con cháu mình chứ các trẻ con Hoa Kỳ thường ngoan và nghe lời cô giáo. Trước khi lên đường các bảo mẫu được căn dặn tuyệt đối không cho trẻ em khác ngoài con cháu mình thức ăn, nước uống, kẹo bánh… Trẻ con Mỹ dạn lắm, thích là xin nhưng nên từ chối để tránh phiền phức có thể xảy ra.
Ngày còn ở Việt Nam, tôi nhớ học sinh Trung Học Saigon thỉnh thoảng được nhà trường cho đi cắm trại Biên Hòa, Thủ Đức hoặc Vũng Tàu. Tôi không nhớ các lớp nhỏ có được đi dã ngoại thăm viếng miền quê như trẻ em nước văn minh giàu có xứ Cờ Hoa không. Ở thành phố, các em chưa bao giờ được trông thấy con cừu, con dê… tận mắt, sờ hay vuốt ve chúng nên rất thích khi được đi đến vùng ngoại ô.
Mùa Thu ở Việt Nam cũng rất đẹp, dễ thương với khí hậu mát mẻ, ánh nắng nhẹ nhàng, chim bay bướm lượn, trời xanh trong vắt không bị áng mây che khuất và nhất là không còn cảnh “cái nóng nung người, nóng nóng ghê”. Mùa Thu cũng là mùa các giáo chức bận rộn chuẩn bị cho năm học mới. Các thầy cô giáo sẽ có học sinh mới, nam và nữ. Thầy trò lạ lẫm buổi đầu nhưng nhanh chóng vào nề nếp, quen biết tính nết nhau. Vào đầu mỗi niên học có thêm một vài giáo sư, nhân viên mới và có thể thiếu vắng vài ba vị như về hưu hay đổi đi trường khác. Vị nào làm việc lâu năm cùng một trường mọi việc sẽ dễ dàng, và tình bằng hữu cũng thân thiết đậm đà hơn.
Viết đến đây tôi nhớ một đồng nghiệp cũ trường Trung Học Nguyễn Trãi Saigon và muốn rơi nước mắt. Chị ấy và tôi cùng dạy học chung một trường hơn 10 năm và chị đã vĩnh viễn từ bỏ trần thế cách đây hơn hai tháng. Chị Bích Hà ra đi ngày 14/7/21. Với tôi, giống như chuyện chiêm bao vì chị ra đi thật bất ngờ: té, hôn mê, vào bệnh viện độ 1 tuần và đi luôn, không một lần tỉnh dậy, để lại bao tiếc thương cho gia đình, bạn hữu, cựu môn sinh.
Nhà văn, nhà giáo, nhà báo Bùi Bích Hà dạy học trường Trung Học Nguyễn Trãi Saigon gần 20 năm, được học trò yêu thương, đồng nghiệp quý mến… Tôi ở trường Nguyễn Trãi khoảng 17 năm nhưng cùng thời gian với chị khoảng hơn 10 năm. Tôi đến trường trước chị và rời quê hương sớm hơn chị. Chị Bích Hà nhanh nhẹn, đảm đang, hoạt bát, tác giả nhiều truyện ngắn, truyện dài, tươi cười, hay giúp đỡ người khác. Trước năm 1975 chị Bích Hà và tôi được ông Hiệu Trưởng cử học lớp “Hướng Dẫn Khải Đạo” tương đương counselor của Mỹ. Hai người cùng học một lớp, cùng giáo sư nhưng sang Hoa Kỳ chị tiếp tục làm người cho chị em bạn gái tâm sự, giữ mục “Bạn Gái Nhỏ To” cho một tờ tuần báo có tiếng ở Cali. Còn tôi cũng có tờ báo đề nghị giữ mục “Tâm Sự Bạn Gái” nhưng biết thân, tôi đâu dám nhận lời! Chị viết đều đặn tờ cho báo Việt có nhuận bút, phát thanh hàng tuần cho đài phát thanh ở Cali, làm MC thành công cho các buổi “Ra Mắt Sách”, các buổi tiệc trong cộng đồng, họat động không ngừng nghỉ trong các lãnh vực văn chương, học đường, thường dự các buổi họp mặt với các học sinh trường cũ… Còn tôi, hỡi ơi, chậm chạp, cù lần, viết có khi sai dấu hỏi ngã, may mà mấy ông nhà báo tốt bụng không rầy rà chỉ im lặng sửa những sai sót. Khác nhau như thế mà chúng tôi bạn bè hơn nửa thế kỷ.
Lúc định cư Hoa Kỳ tôi ở miền Đông, chị ở miền Tây, ít khi gặp nhau chỉ liên lạc qua điện thoại. Sau này nhờ khoa học tiến bộ chúng tôi có thể dùng điện thư hay gởi các tin nhắn (message) trong đôi phút đã nhận hồi âm, biết tin tức của nhau, không phải qua bưu điện chờ đôi ba ngày mới đến tay người nhận như xưa, cách đây 5, 10 năm. Gần đây, chị than đau lưng không ngồi lâu được, đi châm cứu, dùng thuốc Bắc sau khi đến các bác sĩ nổi tiếng Hoa Kỳ nhưng chỉ bớt it lâu rồi lại đau. Tuy thế chị vẫn viết và đến đài phát thanh hàng tuần.
Vào tháng đầu 12/2020 tôi nhận được bộ tách trà và bánh ngọt do tiệm Quốc Việt Foods… gởi đến dù tôi không đặt hàng. Gọi Quốc Việt hỏi thì ra của Bích Hà gởi tặng. Tuy đau chân, bận rộn nhưng chị Bích Hà vẫn nhớ người bạn ở xa, tôi rất cảm động. Bánh ngọt được tiêu thụ vì không thể để lâu nhưng bộ tách trà còn nguyên chưa mở. Tôi định chờ khi hết dịch covid19 Bích Hà đến Thủ đô sẽ khai trương, cùng nhau thưởng thức trà xanh với bộ ấm mới. Hỡi ơi, nay Bích Hà mãi mãi đi xa, vĩnh biệt cõi trần. Người viết sẽ mang bộ tách trà tặng cho nhóm chị em Cô Gái Việt để khi chị em dùng trà nhớ đến nhà văn, nhà giáo, nhà báo hoạt bát, tươi cười trong mọi hoàn cảnh. Xin cầu chúc người bạn viết nhanh nói khéo Bích Hà được an nhàn nơi cõi thọ và đồng bào Việt Nam, nhân dân thế giới luôn bình an, sống trong tình yêu thương, ấm no, hạnh phúc… Tôi có mấy câu văn vần để tặng người bạn tốt đã vĩnh viễn ra đi:
Nhớ Bùi Bích Hà Thương nhớ Bích Hà người bạn hiền Giã từ bằng hữu về cõi tiên Con ngoan, cháu thảo, người tri kỷ Vĩnh biệt từ nay hết muộn phiền Tám mươi ba tuổi, hàng cao niên Làng văn nghiệp báo vẫn còn duyên Môn sinh độc giả nhiều thương tiếc Cầu chúc bạn hiền vui cõi tiên.
Virginia, tháng 9 năm 2021
Ngọc Hạnh