NHẠC YÊU CẦU

music, melody, musical note-786136.jpg

Một năm một lần, và đã 24 năm như thế, tôi được gặp lại những khuôn mặt quen thuộc đến với buổi tiệc gia đình Cỏ Thơm. Có người mừng rỡ vì lâu lắm mới gặp lại. Có người mới đến cho thêm niềm vui. Và có người ra đi để lại nỗi buồn.

Nhìn mọi người rộn ràng lui tới đi lại trước khi vào tiệc, tôi nghĩ mình sẽ được gặp nhau như thế này trong bao nhiêu năm nữa nhỉ? Con số sẽ kéo dài hay nhỏ dần, nhỏ dần? Tự hỏi bi quan như thế, nhưng tôi không giảm niềm vui khi gặp được tất cả. Thực sự là tôi rất vui khi nhìn thấy nét rạng rỡ trên khuôn mặt mọi người. Gặp nhau, ân cần thân thiết hỏi han, bắt tay chào, vòng tay ôm, môi cười và mắt cũng cười. Vậy là đủ vui rồi, phải không?

Đến chào chú Vũ Hối, ông vừa khỏe lại sau một thời gian bệnh nặng. Chưa kịp hỏi thăm thì chú đã vồn vã hỏi trước:

– Con khỏe không, Hạnh?

Gặp thêm Vũ Quốc, con trai chú, cười toe:

– Còn ở chỗ cũ không? Làm lại một bữa gặp nhau đi chớ! Tôi cũng phì cười. Tình cờ cách đây vài hôm, tôi nhìn thấy lại tấm hình cũ Bằng chụp chú Hối, Quốc và tôi đứng trước lò sưởi ở nhà tôi cách đây vài năm.

Vài hàng vui nhắc lại thuở ngày-xưa-còn-trẻ! Vũ Quốc là thầy dạy vẽ “tài tử” của tôi thời còn ở Sàigòn sau 75. Tôi nhớ lần đầu hân hạnh được gặp chú Vũ Hối lúc đó là ở tiệm vẽ, hình như trước khi chú bị bắt đi tù cải tạo thì phải. Cái thời rỗi rảnh đó của tôi là chỉ đi chơi, đi học đủ thứ, học làm bánh trái, học sinh ngữ, học đàn, học vẽ. Có hôm thầy Quốc chắc bỗng dưng nhớ “đào” nên đang giờ học mà cho đóng cửa tiệm, rủ cả nhóm học trò lớp vẽ đạp xe vòng vòng xuống phố Sàigòn vì cô “đào” của thầy làm việc ở mãi đường Lê Lợi. Hôm đó xui sao cô ấy bận không nghỉ để đi chơi cùng được nên mặt thầy buồn xo, cụt hứng! Nhưng đi một hồi thầy cũng lại cười vui ào ào với học trò. Tôi còn nhớ một cô bé bị câm học cùng giờ ở lớp vẽ, hay được bố đưa đón đi học. Cô bé vẽ rất đẹp. Có tật có tài? Chị em trong lớp nói chuyện bằng cây bút chì viết qua viết lại đằng sau cuốn tập. Mới đây tôi tìm thấy lại cuốn tập vẽ đó, đã vàng ố theo thời gian. Lật lên từng trang, cảm xúc nhìn lại những chân dung họa lại bằng chì của mình. Ở góc trang bìa cuối, các câu viết nói chuyện với cô bé câm đã mờ nhạt. Bây giờ cô bé này đang ở đâu nhỉ.
Thấy Diễm Hoa:

– Tí nữa Hoa nhớ nhắc nhé, chị có đem theo cây Tóc Tiên cho Hoa đây!

– Ồ thích quá, cám ơn chị!
Diễm Hoa cũng là một khuôn mặt ngày-xưa-còn-trẻ ở Sàigòn trong chuyện của Bằng, ông xã tôi. Diễm Hoa là cô bé hàng xóm của Bằng. Bằng kể từng bị “ghen” nhầm vì có lần chở Hoa đi học! Bây giờ mỗi khi anh em hàng xóm có dịp gặp nhau là có khối chuyện ngày-xưa-còn-trẻ để kể.
Gặp anh Phạm Trọng Lệ vừa bước vào, tôi nói ngay:

– Anh Lệ ơi, lọ mứt anh cho hôm nọ sắp hết rồi!

– Mứt gì thế nhỉ?

– Dạ Peach, anh ạ.

– Ừ, thế hôm nào lại đưa cho loại khác nhé.
Anh Ngô Tằng Giao thì hầu như lần nào gặp nhau nói chuyện cũng nhắc:

– Hôm nào làm một cuộc họp mặt nhắc về thơ của ông già đi chứ.

Tôi cười trừ:

– Dạ thôi anh ạ. Em làm không được đâu.

Ông già đây là bố tôi. Bụt chùa nhà không thiêng!
Ngồi ở một góc bên sân khấu tôi lắng nghe âm nhạc của quá khứ đang đầy lên. Chương trình tuyển chọn những bài nhạc hay. Chiều trên Phá Tam Giang, lời thơ Tô Thùy Yên, nhạc Trần Thiện Thanh làm tôi rung động nhức nhối. …Giờ này có thể trời đang mưa, em đi dưới hàng hiên sướt mướt, nhìn bong bóng nước chạy trên hè, như cánh hoa nở vội…

Nhìn xuống phòng tiệc, nhìn từng khuôn mặt người quen, tôi lan man nhớ lại nhiều chuyện ngày xưa, rồi nhìn lại mình. Mỗi năm gặp mọi người là thêm một tuổi! Nhưng tôi không thấy ai thay đổi gì nhiều. Tôi cũng thế, nghĩ hình như mình cũng chưa có gì thay đổi lắm. Chắc có lẽ vì cuộc sống của tôi vẫn vậy, vẫn đều đều trôi. Tôi vẫn ngắm con đường đi qua mỗi ngày, mong manh với mưa hoa nắng lá, miên man ý nghĩ quay quanh trong đầu. Cảm thấy an ủi khi biết mình, dù đã rất xa cái thời ngày-xưa-còn-trẻ, vẫn còn có những con đường bình an để đi, may mắn có ngôi nhà xinh để ở, có cây lá bốn mùa thay đổi hòa quyện vào mình một cõi riêng hiền hòa êm ả. Và cảm thấy hạnh phúc khi có bạn, người đi cùng tôi trong suốt con đường này, bạn đường. Ngẫm nghĩ, tiếng bạn đường sao đầy ý nghĩa quá. Tôi muốn chúc lời hạnh phúc đến những người đang là bạn đường của nhau. Hãy sống bên nhau như thế.

Ngồi bên cạnh, cậu Linh bỗng nhắc hỏi đùa đến một nhân vật trong tập thơ của tôi, một người thời ngày-xưa-còn-trẻ ở Sàigòn của tôi. Tôi quay lại cười:

– M hở cậu? vẫn còn ở đâu đấy trên Canada. Có bạn là có hạnh phúc rồi, cậu nhỉ. Cậu thấy chữ bạn đường hay không, bạn trên đường đời ta bước…

Cậu gật gù. Tôi dừng lời ở đó, không nói hết ý của mình: hay là bạn trên… con đường tình ta đi…
Cậu nhắc làm tôi nhớ M và không thể nào không nhớ đến bố, hôm đó. Buổi trưa Sàigòn nóng. Nhà im lặng, không có ai ngoài bố mẹ và tôi, cậu em cũng đi chơi đâu đó rồi. Con chó michou thì nằm ngay bậc cửa hướng ra ngõ chói nắng. Bên cạnh là con mèo mimi ngồi hiu hiu nhìn hóng theo. Cuối ngõ, giàn hoa giấy hai màu tím đỏ nhà bà Doan nở rộ.
Bố tôi đang nằm nghỉ đọc báo ở divan trong phòng khách. Tôi lấy cây đàn guitar tới ngồi phía dưới chân bố, đàn, hát hỏng vài bài cho vui. Mở tập nhạc của Phạm Duy, tôi đệm đàn khe khẽ, … con đường tình ta đi, với bàn chân nhỏ bé, …con đường thảnh thơi nằm, nghe chuyện tình quanh năm…

Tôi dứt bài, quay nhìn lên hỏi đùa với bố:

– Con hát hay không bố?

Chậm rãi gấp tờ báo lại, rồi nhắm mắt, bố tôi bảo:

– Hát bài gì có ly chanh đường ấy!

Tôi phì cười:

– À, bài Trả Lại Em Yêu! Bố thích bài đó à?

– Ừ, hay chứ.

– Bài tình ca nào của Phạm Duy mà không hay hở bố!

Tôi đàn chuyển bài, đằng hắng giọng,

… trả lại em yêu, con đường học trò, những ngày thủ đô, tưng bừng phố xá, chủ nhật uyên ương hẹn hò đây đó, uống ly chanh đường, uống môi em ngọt… trả lại em yêu, mối tình vời vợi,…

Tôi bỗng ngưng hát, buông đàn. Michou đứng lên vẫy đuôi. Chiếc xe đạp và M vừa trờ tới trước cửa nhà.

– Bố ơi, M đến chơi.

– Ừ, bảo nó vào.

– Thôi bố, bố nghỉ trưa đi, tụi con ngồi ngoài hiên.

Ông trở mình, quay nằm nghiêng vào vách. Chắc bố tôi đang… đem nỗi thương yêu, vào niềm thương nhớ… người đẹp một thời nào đó của ngày-xưa-còn-trẻ ở Hà Nội.
Còn tôi và M thì đang có nhau trên … con đường về ban trưa, tới nhà hay vào lớp, con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh…
Tôi hớn hở cười ra mở cửa và xuống bếp pha mỗi đứa một ly chanh đá.
M đón lấy lấy ly nước trên tay tôi:

– Lúc nãy vừa đến thấy H đàn, chơi bài gì thế?

Tôi nghiêng đầu nhìn M, hát trả lời:

uống ly chanh đường, uống môi em ngọt… Nhạc yêu cầu của bố đấy!
Chúng tôi cười xòa.
Giàn hoa giấy lên màu rực hơn cuối ngõ.

Ý Anh ( Đỗ Tràng Mỹ Hạnh)

June 28, 2019

Trả Lại Em Yêu – aranged for violin and piano và lời bài hát dịch sang Anh Ngữ.

Author

  • Tổng Thư Ký Cỏ Thơm từ năm 1997 đến nay. Chủ Biên "Tuyển Tập Thơ Cỏ Thơm Mùa Tình Yeu - 2000".

    View all posts