Nhớ Hai Anh Giang Hữu Tuyên và Ngô Vương Toại

Tác giả Phan Tấn Hải: ...nhưng nói về gian nan nghề báo, nghề lặn lội đi nơi này nơi kia trong gió lạnh và tuyết rơi, rồi về một góc nhà để ngồi, để suy nghĩ viết này, viết nọ, thì tôi gần gũi với hai anh Giang Hữu Tuyên và Ngô Vương Toại...

Nhà thơ Giang Hữu Tuyên và nhà báo Ngô Vương Toại

Một ấn bản giấy Tạp Chí Cỏ Thơm từ Miền Đông Hoa Kỳ đã gửi tới Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, và rồi từ vị Giáo sư Nam kỳ Lục tỉnh này chuyển qua đường bưu điện tới tôi. Tôi đã nhẩn nha đọc, một phần là thưởng thức văn học nghệ thuật (dĩ nhiên, báo này và nhiều báo khác đều có những độc đáo riêng), nhưng bùi ngùi khi nhớ tới một số hình ảnh đã mờ nhạt với hai nhà báo đã quá cố — anh Giang Hữu Tuyên (1949-2004) và anh Ngô Vương Toại (1947-2014).

Thực ra, ấn bản Cỏ Thơm 92 vừa phát hành ngày 6 tháng 6 năm 2021 không nói riêng về hai nhà báo họ Giang và họ Ngô — hai anh chỉ là một phần thôi, trong bài “Tiệm Phở Xe Lửa & Các Bạn Quá Cố Của Tôi” của nhà văn Phạm Thành Châu, trong đó ghi nhận về nhiều người nơi vùng Virginia-Maryland-DC đã ra đi, như  họa sĩ Đinh Cường, nhà thơ Vương Đức Lệ…

Tôi cũng có một vài kỷ niệm với họa sĩ Đinh Cường, nhưng nói về gian nan nghề báo, nghề lặn lội đi nơi này nơi kia trong gió lạnh và tuyết rơi, rồi về một góc nhà để ngồi, để suy nghĩ viết này, viết nọ, thì tôi gần gũi với hai anh Giang Hữu Tuyên và Ngô Vương Toại. Đúng ra, nói về tình thân, hai anh Tuyên và Toại, khi tôi còn ở Virginia, thân cận nhất với GS Nguyễn Ngọc Bích và với nhà báo Nguyễn Văn Khanh, hai vị về sau tuần tự từng giữ chức Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do, vì GS Bích và N.V. Khanh là dân địa phương từ lâu, không phải mới tỵ nạn tới như tôi. Nhưng nói về chất văn nghệ, tôi lại gần với hai anh hơn. Phần vì, tôi đã làm báo học trò từ thời là học sinh Chu Văn An, rồi làm báo sinh viên khi vào Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước 1975, khi lên đảo Galang lại ngồi viết cho Tạp chí Tự Do của Linh mục Dominici, rồi vừa lên Virginia là viết truyện ngắn gửi về Nhân Văn ở San Jose. Nghĩa là, nòi viết đã có sẵn trong tim, trong máu. Nghĩa là, đứng cũng muốn viết, ngồi cũng muốn viết, đi giữa nắng mưa gì cũng muốn viết, nên tự nhiên có chất bụi đời, rất mực là gần hai anh Giang Hữu Tuyên và Ngô Vương Toại.

Bìa tạp chí Cỏ Thơm, số 92 – tháng 6/2021

Đọc số báo Cỏ Thơm 92, mới chợt nhận ra rằng bản thân mình bây giờ tuổi thọ cao hơn hai anh Tuyên và Toại. Cũng là một bất ngờ. Anh Giang Hữu Tuyên (1949-2004) từ trần năm 55 tuổi. Anh Ngô Vương Toại (1947-2014) ra đi năm 67 tuổi. Đối với trung bình dân Mỹ, như thế là tuổi thọ hơn ngắn. Tại sao? Đôi khi tôi nghĩ, hai anh vỡ tim mà chết, vì yêu thương quê hương rất mực nồng nhiệt, nên cơ thể không chịu đựng nổi những nỗi buồn xa quê của hai anh. Tôi đã nghĩ như thế, khi được tin Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từ trần ngày 3/3/2016 trên đường bay từ Washington DC đến thủ đô Manila của Philippines để tham dự một hội thảo về tranh chấp Biển Đông. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (1937-2016) cũng là cư dân Virginia với hai anh Tuyên và Toại, từng có lúc giữ chức Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do. Nghĩa là, GS Bích là đàn anh văn nghệ của nhiều người lúc đó — Giang Hữu Tuyên, Ngô Vương Toại, Nguyễn Văn Khanh và Phan Tấn Hải (nhưng rồi tôi đã về California sớm). Vỡ tim mà chết, nhiều người đã như thế.

Hình dung về nhà thơ Giang Hữu Tuyên là cứ nhớ anh người hơi thấp, hơi mập, ưa cười, xuề xòa, thường nhấp nháy mắt sau đôi mặt kính, ưa mặc áo màu sáng, và dĩ nhiên là mê làm thơ. Cũng như khi hình dung về Virginia là thấy mưa tuyết. Do vậy, nghĩ tới anh Tuyên là nghĩ liền ngay tới tuyết trắng. Nghề báo mà gặp tuyết thì lặn lội rất ư là mệt. Nhưng đôi khi, bạn đọc vài câu thơ của anh Giang Hữu Tuyên, sẽ hiểu được vì sao anh mê chữ nghĩa vô cùng tận.

Như khi đọc bài thơ “Về giòng sông Trẹm” của anh Giang Hữu Tuyên:

Chinh chiến người đi như lá mục
Giòng sông kia nước đỏ thêm hoài
Máu ai chảy từ bao năm trước
Mà nối không liền được đất đai.

Hãy hình dung về anh Tuyên, một sĩ quan Hải quân (anh Tuyên là Hải quân Trung úy và đi thoát năm 1975) ra trường quân sự là về phục vụ tại đảo Hòn Khoai, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 Duyên hải, ngoài khơi mũi Cà Mâu. Rồi có mặt trong hầu hết các cuộc hành quân của Hải quân VNCH ở vùng Rạch Giá – Hà Tiên và là một trong những Tân Sỹ quan tham dự vào chiến dịch Hải quân nổi tiếng Sóng Tình Thương bình định làng Năm Căn. Nghĩa là, lặn lội trong nghề báo ở Virginia chỉ là chuyện nhỏ so với những lặn lội nguy hiểm nơi sông rạch súng đạn Miền Tây.

Hẳn là, khi anh Tuyên nhìn thấy tuyết trắng những ngày lái xe đi giao báo, anh lại nhớ về những giòng sông quê nhà, nơi chinh chiến người đi như lá mục, nơi máu những chàng trai chảy hoài mà đất nước vẫn chưa thực sự là hàn gắn. Có thể lúc anh Tuyên làm thơ, anh đã khóc. Thực sự, tôi chưa bao giờ thấy anh Tuyên khóc (có thể tôi suy luận, khi làm thơ thì đôi khi phải khóc). Thực ra là, anh Tuyên cười hoài thôi. Anh luôn luôn nở nụ cười vì hạnh phúc (vợ anh, chị Trương Ngọc Sương, cũng ra sức gánh vác, đánh máy cho chữ đầy các trang báo cho anh).

Anh Đặng Đình Khiết, một người hoạt động gần gũi với anh Giang Hữu Tuyên, trong bài viết “Nét Tranh Đấu Nơi Giang Hữu Tuyên” đăng ngày 19/11/2004 trên Việt Báo đã ghi nhận về một nhóm ba chàng trai cùng ra báo đấu tranh thời thập niên 1980s – trong đó, bên cạnh Giang Hữu Tuyên, Ngô Vương Toại, còn có anh Nguyễn Đình Hùng. Cũng nên ghi chú về nhà hoạt động Đặng Đình Khiết, thường được dân Việt khu vực Virginia lúc đó gọi cho gọn là Giáo sư Khiết, vì anh cũng là thầy giáo trung học ở quận Fairfax, Virginia.

Đặng Đình Khiết kể trong bài báo:

“…từ cuối năm 1980, thì bộ ba -- Tuyên-Toại-Hùng -- đã cùng đứng ra thành lập tạp chí Việt Chiến, một tờ báo văn nghệ mang tính tranh đấu cao, bài vở nội dung rất hay và mới, hình thức trình bày nhã và đẹp. Tờ báo đuợc nồng nhiệt đón chào trong cả hai giới đọc giả, giới thích đọc văn thơ và giới văn thơ tranh đấu. Việt Chiến tạo nên một uy tín độc đáo cho ba anh không chỉ ở vùng Hoa thịnh đốn mà còn lan ra các châu khác. Việt Chiến xuất bản đều đặn hàng tháng và ra được 12 số thì đình bản. Ngoài việc thực hiện tờ báo, nhóm bộ ba -- Tuyên-Toại-Hùng -- thỉnh thoảng còn tổ chức một số đêm sinh hoạt giới thiệu thơ văn, sáng tác mới mang tính tranh đấu của những người cộng tác với Việt Chiến. Những sinh hoạt văn nghệ tranh đấu này ít nhiều đã góp phần tạo nên không khí mang chiến đấu tính cao và làm nức lòng người Việt vùng thủ đô Hoa thịnh đốn trong nhiều năm.
 
Đây cũng là lúc con người thơ ở trong GHT nở rộ với nhiều bài thơ đẹp, lấy sông nước bao la và đời sống bình dị nhưng đầy tình tự quê hương của con nguời miền Nam nước Việt làm chủ đề xây dựng. Thí dụ, bài Mầu Tím Mùng Tơi, mà gần như hễ chỗ nào GHT xuất hiện thì đều được người dự khán yêu cầu chính tác giả diễn ngâm bài thơ đó. Bài thơ mượn hình ảnh, hương vị, và mầu sắc của một bát canh mùng tơi mà mẹ già nâú cho các con của mẹ ăn thưở nào để nói lên cái nghịch cảnh đau buồn của Dân tộc Việt Nam trong cuộc nồi da xáo thịt vừa qua.
 
Thời gian này Tuyên say đắm làm thơ. Có người quen kể lại rằng Tuyên làm thơ trong lúc lái xe, khi đi ngủ, và ngay cả lúc đang nấu nướng! (Hình như có một dạo anh làm cho một nhà hàng Tầu, cứ có giây phút nào nghỉ thì lại đứng ra một góc để làm hoặc sửa chữa, trau chuốt những câu thơ mới. Những năm 1983 đến 1987 tôi và một số anh em có thực hiện tờ tạp chí Xác Định (như đề cập ở trên) nên vì vậy chúng tôi liên lạc với nhau khá đều và Tuyên thường xuyên gửi thơ để anh em tuỳ nghi xử dụng. Vài ngày không gặp là sẽ nhận được điện thoại gọi từ Tuyên, để nghe Tuyên đọc vài câu hoặc một bài thơ mới làm. Tuyên say sưa đọc, đọc xong cũng chính Tuyên hồn nhiên tự bình phẩm mấy câu thơ của mình. Người nghe chưa kịp có ý kiến thì đã hòa ngay vào cái niềm vui mới đó của Tuyên.” (ngưng trích)

Như thế, anh Tuyên say đắm làm thơ, nghĩa là làm thơ khi lái xe, khi đi ngủ, khi nấu nướng… Tuyệt vời là người như thế. Có 4 câu thơ cuối bài “Đất Gọi Người Đi” của nhà thơ Giang Hữu Tuyên được đọc trong tang lễ tiễn đưa nhà báo Giang Hữu Tuyên:

Mai này trong chuyến tàu thiên cổ
Nếu có người thương tiếc tiễn đưa
Xin hãy rắc thêm vào huyệt mộ
Chút tình hệ lụy núi sông xưa

Trong khi đó, nhà báo kỳ cựu Phạm Trần trong bài viết nhan đề “Giang Hữu Tuyên: Người Làm Báo Đàng Hoàng” đăng trên Việt Báo ngày 19/11/2004 ghi lại một số kỷ niệm, trích:

“…Tuyên đến với tôi cách nay trên 20 năm là một thanh niên nhiệt tình với Báo chí, chịu khó học hỏi, kiên nhẫn và muốn sống hết mình với nghề báo. Tuy xuất thân từ Phân khoa Báo chí của Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn , nhưng Tuyên chưa kịp hành nghề thì đã bị gọi động viên. Anh sang Mỹ năm 1975 và làm đủ mọi nghề để nuôi gia đình, nhưng cuối cùng rồi anh cũng mon men bước vào làng báo Việt Nam ở Mỹ.
 
Nếu trong lao động chân tay có những người thợ cần cù tìm mọi cách tiến thân thì trong nghề báo lại có không thiếu người thích làm ít chơi nhiều và làm giả ăn thật. Giang Hữu Tuyên, ngược lại, là một nhà báo lao động cật lực. Anh không làm báo theo kiểu theo mộng hải hồ của Sỹ quan Hải quân Giang Hữu Tuyên mà quyết chí tay làm hàm nhai và sống chết với nghề.
 
Theo dõi việc làm của anh tôi thấy Chủ nhiệm Giang Hữu Tuyên phân chia công việc Toà soạn rõ ràng: Anh lo giao thiệp bên ngoài, xin quảng cáo, đọc những bài viết của thân hữu và độc giả gửi đến và làm tin Trang Nhất cho cập nhật thời sự vào trước giờ đem báo đi in (thường là chiều Thứ Năm mỗi tuần) rồi đi bỏ báo luôn cho đến mù tối và tiếp tục ngày hôm sau. Việc trong tòa báo như biên tập sổ sách, đánh máy bài, kỹ thuật trình bày các trang trong và quảng cáo thuộc về người vợ, chị Trương Ngọc Sương.
 
Cứ như thế hết ngày này qua tháng khác và từ năm này qua năm kia không ngừng nghỉ. Tuyên làm báo mà khổ hơn đi làm lao động cho người khác. Anh thường ăn không ra bữa, ngủ không ra chiều và hùng hục như thế suốt cả ngày. Nếu so với hoàn cảnh của thời kỳ tôi làm báo ở Sài Gòn trước năm 1975 thì Tuyên khổ sở hơn anh em chúng tôi nhiều lắm. Mọi việc của tờ HTĐVB từ A đến Z chỉ do vợ chồng anh lo liệu. Họ khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, không trông cậy vào ai được.” (ngưng trích)

Khi anh Giang Hữu Tuyên từ trần (tháng 11/2004), anh Ngô Vương Toại cũng đã kể lại nhiều kỷ niệm qua bài “Từ Việt Chiến Đến Hoa Thịnh Đốn Việt Báo” ngày 19/11/2004 trên Việt Báo để tưởng nhớ anh Giang Hữu Tuyên, trích như sau:

"Vào thời gian đó cách đây hơn 20 năm, chúng tôi đều còn trẻ. Câu chuyện nói với nhau có lẫn vào trong đó nhiều giấc mộng, nhiều hòai bão nên nói năng với nhau một cách say sưa. Càng nói chuyện tôi càng tâm đắc, thấy ở Tuyên một ngọn lửa nhiệt tình, một sự thành thật rất miền Nam, một sự sôi nổi kích thích hiếm thấy của một con người vốn là một thi sĩ, tác giả của những bài thơ thắm thiết lúc nào cũng bám lấy ruộng đồng quê hương, lúc nào cũng đầy tràn tình yêu nước, yêu người.
 
Tuyên cho tôi những phấn chấn cần thiết. Tuy thế, tôi đã nhìn ra hòan cảnh khó khăn, tôi cố gắng thảo luận chừng mực để Giang Hữu Tuyên, Nguyễn Đình Hùng giảm chế sự cao hứng khi nói về việc làm báo. Cuộc họp mặt đầu rủ rê nhau làm báo không thành, sau khi cả ba chúng tôi đối chiếu một số thực tế. Tuyên và Hùng ra về sau buổi họp mặt đầu.
 
Nhưng cả hai rất bền bỉ. Lần đầu không được, họ tiếp tục đến gặp nhiều lần khác. Cả hai đều gốc quân nhân, cả hai tâm hồn đều đẹp và lý tuởng. Cả hai đều thấy sự cần thiết phải cất tiếng lên cho những anh em đang nằm trong các trại cải tạo, của đồng bào khổ đau bị trói cuộc đời trong hầm tối mà như thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đả gọi tên là Hầm tai vạ trong chế độ nghiệt ngã trên đất nước.
 
Vào thời gian đó, ngòai việc bơi chải cố ổn định sinh kế, tôi còn có trách nhiệm đối với Hội Nhân Quyền Vùng Hoa Thịnh Đốn, với những cuộc lên đường xuống đường đấu tranh cho nhân quyền ở quê nhà, còn khom lưng mỗi tối viết biểu ngữ, họp hành đòan thể, nhiều điều vướng vít. Nhưng tôi bị giao động mạnh trước tâm tình của hai người bạn . Tôi xuôi lòng trước các đốc thúc của Tuyên và Hùng. Cuối cùng chúng tôi quyết định làm việc với nhau, dựng nên tạp chí Việt Chiến.
 
Chúng tôi bàn đến mọi khía cạnh về việc ra báo. Nhiêu khê nhất vẫn là tiền vốn để in báo. Tuyên và Hùng gom góp tiền để dành từ những ngày lao động cũng chỉ được một số vốn khiêm tốn để có thề đồ vào việc in ấn, cho nên cho dẫu có nghĩ đến hình thức tuần báo, bán nguyệt san cũng thấy gian nan. Sau nhiều cuộc bàn thảo, tờ báo được quyết định ra đời dưới hình thức nguyệt san để tiết kiệm tổn phí, giảm bớt tiền in. Tuy suy nghĩ lúc đầu của bộ ba chứng tôi là làm tờ tuần báo tin tức, nhưng rút cục, chúng tôi thu hẹp phạm vi tờ báo vì hai lý do: tin tức về Việt Nam rất cần thì vào lúc đó chính sách bưng bít ở quê nhà đã khiến về mặt tin tức, họa hoằn lắm mới xuất hiện trong các bản tin viễn ấn hay trên báo chí Mỹ có thể luộc lại được.
 
Hai mươi năm trước, không có Internet, không có Web page, không có bàn máy Computer, tin đã hiếm mà khi làm xong còn bị nguội thì nhảm quá, nên anh em chúng tôi quyết định làm một tạp chí văn chương. Lý do thứ hai là vốn ba đầu của tờ báo này chỉ có chưa tới 3.000 đô la.
 
Chúng tôi hiểu rõ giá trị của văn học, tác dụng của văn chương trong hòan cảnh lưu vong. Chúng tôi hiểu khả năng giữ lửa cho nhau của những ngòi bút đang tản lạc khắp bốn phương trời. Chúng tôi quan niệm, đứng trước đứa trẻ đang thiếu ăn, quê hương đang điêu linh, văn chương hoa mỹ không thích hợp và bất lực trước nghịch cảnh, nên chấp nhận lấy tên cho tờ báo là Việt Chiến, và chủ trương nó phải là tạp chí Văn Chương Dấn Thân, tiếp tục một cuộc chiến cho nhân quyền, tự do và dân chủ tạI Việt Nam.
 
Giai đọan đó, chúng tôi hy sinh một phần lớn quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật, mà chú trong đến khía cạnh nghệ thuật vì nhân sinh, đáp ứng nhu cầu thúc bách của con người. Tạp chí Việt Chiến trổ hoa. Các nhà văn nhà thơ từ góc biển chân trời tụ về khá đông trên diễn đàn này.
 
Công việc của nhóm chủ trương được phân công mau chóng, Tuyên lo mặt ngòai, củng cố xương lưng cho tờ báo, lo phần trị sự, quảng cáo. Tôi được giao phần nôi dung, kêu gọi đóng góp bài vở, viết và viết. Hùng lo phần kỹ thuật cho tờ báo. Tạp chí đề giá một đô la ruỡI, số in giới hạn nhưng phát hành rộng khắp nước Mỹ với vọng nó tới tay những người đồng điệu, tạo nên một lớp sóng mới phấn đấu cho mục tiêu chung: cởi trói cho đồng bào ở quê nhà.

Tạp chí được hưởng ứng, số ngừơi đóng góp bài vở càng lúc càng đông, nhưng báo bị thất thu về mặt tài chánh trong khi tiền in không theo kịp. Sau số báo Tết năm 1983, báo bị đình bản." (ngưng trích)

Thời các anh còn trẻ, rồi tới thời các anh già hơn, rồi tới những ngày các anh lần lượt ra đi. Những trang báo mở ra, rồi gấp lại. Một bài thơ thường được nhắc tới của anh Giang Hữu Tuyên là bài “Trời Mưa Đi Phát Báo” — để hiểu về hoàn cảnh, thời đó không có báo mạng, chưa có máy điện toán, dấu chữ Việt còn phải bỏ thêm bằng tay, tối tân nhất là máy fax. Điện thoại lúc đó là điện thoại có dây, điện thoại để bàn, chưa hề có điện thoại không dây. Do vậy, nghề báo là phải đưa các xấp báo giấy đi phát hành. Khi gặp mưa, gặp tuyết là thê thảm, nhưng không thể trễ phát hành được. Nhưng anh Giang Hữu Tuyên luôn luôn giữ được hồn thơ trong đời sống. Anh đã để lại nhiều hình ảnh thơ mộng trong cả cuộc đời lẫn thi ca. Bài thơ sau đây mang tính điển hình về ngôn ngữ của ông, cũng là bài ghi lại tấm lòng của một nhà báo lúc nào cũng nhìn về quê nhà – khi lội mưa đi phát báo nơi xứ người, mà trong tim vẫn ướt đẫm những mưa mùa quê cũ.

Trời Mưa Đi Phát Báo
Chiều ngã năm đường năm bẩy ngã
Ngã nào cũng ướt giọt mưa rơi
Bao mùa mưa đã im giông bão
Sao nước trường giang vẫn khứ hồi
.
Mười mấy năm làm tên phát báo
Lòng buồn theo thành quách xa xưa
Những trang tin dội từ quá khứ
Rớt ngập ngừng cùng những hạt mưa
.
Mưa lót ngót đời loi ngoi mãi
Sáng chưa đi, chiều lại mưa về
Mưa ngã năm từ năm bẩy ngã
Ngã nào cũng mưa và mưa thôi
.
Xấp báo trên tay vừa ướt hết
Vậy mà cứ đứng dưới mưa bay
Hình như những mùa mưa thưở trước
Đang về làm ướt trái tim ai.
     --- Thơ Giang Hữu Tuyên

Tương tự với nhà thơ Giang Hữu Tuyên, dễ thấy nơi nhà báo Ngô Vương Toại: Lòng yêu nước và đam mê với nghề báo là các điểm nổi bật trong đời của anh Ngô Vương Toại. Hình ảnh nhà báo Ngô Vương Toại lại đi từ một chân trời khác: hoạt động chống cộng từ thời còn là sinh viên tại Sài Gòn, bị đặc công VC ám sát, bắn gục, may còn sống. Nhưng nhiệt tâm yêu nước vẫn thúc đẩy anh Ngô Vương Toại vào nghề báo, từ báo giấy cho tới báo truyền thanh. Nhà báo Ngô Vương Toại đã từ trần vào rạng sáng Thứ Năm ngày 3 tháng 4-2014 tại nhà thương Fairfax, Virginia sau một thời gian dài chống trả với chứng “suy gan”. Nhà báo Ngô Vương Toại sinh ngày 12 tháng 4/1947 tại Thanh Hóa, theo đạo Công Giáo, tên Thánh là Raphael. Lập gia đình với chị Nghiêm Thị Lan, có 3 con (2 trai, một gái).

Ngô Vương Toại tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn (1970), có một thời gian đi dạy học, thí dụ như dạy ở Trường Trung Học Minh Tân (Biên Hòa). Bắt đầu làm báo từ năm 1967 đến 1973, viết cho tờ Lập Trường (Vũ Tài Lục), Sống, Đời, Sóng Thần (Chu Tử/Trùng Dương), Tin Sống (Phùng Thị Hạnh), Tìm Hiểu (Phan Lam Hương), viết cho một số tờ khác như Tranh Đấu, Quyết Tiến, Quật Cường, Độc Lập. Từ 1973 đến 1975, anh Toại làm ở Trung Tâm Dân Vụ (National Press Center), lúc đó GS Nguyễn Ngọc Bích là Trung Tâm Trưởng.

Sang Hoa Kỳ, anh trở lại nghề báo hồi 1977, viết cho tờ Việt Báo của Cha Trần Duy Nhất. Đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Washington D.C. Cũng trong thời gian này, anh nhận lời cộng tác với Hồn Việt, Người Việt (California), và nhiều tờ khác nữa như Độc Lập ở Đức, Dân Quyền ở Canada… Năm 1979, anh cùng với anh Giang Hữu Tuyên và anh Nguyễn Đình Hùng quyết định lập và cùng trông coi tạp chí Việt Chiến. Sau một thời gian vài năm, tạp chí này đình bản. Anh sang cộng tác với tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Báo (Giang Hữu Tuyên). Đến 1985, anh Ngô Vương Toại lập tờ Diễn Đàn Tự Do. Khởi đầu đây là tờ bán nguyệt san nhưng từ năm 1994, trở thành tờ tuần báo. Khi nói chuyện với người ngoại quốc, anh gọi tờ báo này là “Freedom Forum”.

Giữa tháng Giêng 1997 anh bắt đầu làm việc với Á Châu Tự Do (RFA), hai tháng sau đó quyết định đình bản tờ Diễn Đàn Tự Do vì không có thì giờ chăm sóc. Anh có nói là kiếm người giúp để tờ báo tiếp tục sống “nhưng tìm không ra”. Đầu tháng 11 năm 2005 anh nghỉ việc (RFA) vì lý do sức khỏe.

Trước 1975, trong thời gian làm ở Trung Tâm Dân Vụ, anh Ngô Vương Toại phụ tá GS Nguyễn Ngọc Bích tổ chức chuyến đi của các nhà báo quốc tế ra thăm Côn Đảo để chứng minh chuyện các “chuồng cọp” (Tiger cages) của Don Luce là bịa đặt. Thí dụ, Luce viết rằng chuồng cọp dưới hầm, thực ra là phòng giam trên mặt đất, có gió vào khá mát mẽ, không hề là “cũi giam” vì trần cao 2m50, có đứng đưa tay với cũng không tới trần nổi.

Anh Ngô Vương Toại nổi tiếng xông xáo từ thời sinh hoạt sinh viên thập niên 1960s, đặc biệt là khi ông khi Tổ Ám Sát của Việt Cộng bắn lủng ruột ngay trên sân khấu một buổi ca nhạc đang trình diễn với nhạc sĩ Trịnh Cộng Sơn và ca sĩ Khánh Ly tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn — thời điểm ám sát này là tháng 12-1967, một tháng trước cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân mà VC nhận chìm cả nước vào biển máu. Nhà báo Ngô Vương Toại thoát chết và đã trở thành một biểu tượng chống cộng mới cho tuổi trẻ Sài Gòn, những người không chấp nhận chế độ Cộng Sản.

Anh Ngô Vương Toại bắt đầu bị tai biến mạch máu não từ tháng 9-2005, trong vòng một năm 4 lần vào bệnh viện, nhưng vẫn mong mỏi sống cho tới ngày đất nước thực sự được tự do dân chủ. Trong cuộc phỏng vấn tháng 4-2006, anh Ngô Vương Toại cho biết lúc đó đang theo lời khuyên của bác sĩ về các pháp trị liệu, trong đó ông đang vẽ tranh bằng các loại màu sơn dầu (oil) và acrylic. Và cho biết, “Ngô Vương Toại sẽ viết một cuốn hồi ký kể lại những ngày hoạt động sinh viên thập niên 1960s và 1970s, và cả khi trực diện với các sinh viên trong Tổ Ám Sát VC từ trong lớp, giữa sân trường, và ngoài đường phố Sài Gòn.”

Nhà báo Nguyễn Tuyển trong bài viết nhan đề “Ngô Vương Toại, Một Người Mê Làm Báo (12/04/1947 – 03/04/2014)” đăng trên Việt Báo ngày 4/4/2014, ghi nhận một số kỷ niệm về anh Ngô Vương Toại, trích:

"Tôi biết Ngô Vương Toại ở những năm còn lê la trên sân trường Đại Học Văn Khoa ở Sài Gòn. Thời đó, trường Đại Học Văn Khoa còn nằm trên đường Nguyễn Trung Trực. Số sinh viên ngày mỗi đông hơn mà cơ sở, giảng đường thì giới hạn, chật hẹp. Các lớp dự bị (tức năm đầu tiên, học một số môn tổng quát. Nếu đậu, được ghi tên học các loại chứng chỉ chuyên biệt cho từng môn) quá đông đảo phải sử dụng khu nhà “tiền chế” trên bãi đất trống (vốn là nền nhà tù của Sài Gòn thời Pháp đô hộ bị phá bỏ).
 
Nhưng những năm từ 66, 67, các lớp dự bị được dời lên trường sở mới trên đường Cường Để là khu đại học chung với Dược Khoa, Nông Lâm Súc. Khu nhà tiền chế (vốn được xây dựng bằng những vật liệu nhẹ trình bày cách xây dựng nhà mới của Hoa Kỳ, cho một hội chợ) được sử dụng làm khu sinh hoạt sinh viên. Trên đó, một căn (ở giữa) được sử dụng làm trụ sở Ban Đại Diện Sinh Viên Đoàn. Một căn dài làm trụ sở Chương Trình Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (gọi tắt là CPS). Một căn làm trụ sở Ban ấn loát, phát hành các tập giảng khóa cho sinh viên. Hội Họa Sĩ Trẻ xin được một căn nhỏ, đồng thời một căn dành cho Đoàn Văn Nghệ sinh viên học sinh Nguồn Sống.
 
Ngô Vương Toại cùng một số bạn đã gom góp ít tiền dựng một mái nhà tôn, vách tre đan, trống trải huếch hoác làm một quán cà phê gọi là “Quán Văn”. Đây là chỗ tụ tập của bạn bè sinh viên trước hay sau giờ học, hoặc vào những lúc không có lớp, ngồi tán dóc, hay bàn chuyện học hành. Cuối tuần có các sinh hoạt văn nghệ bỏ túi. Nếu có những buổi sinh hoạt dự trù rất đông người tới dự thì tổ chức ngay trên bãi cỏ rộng.
 
Sự nghèo nàn thô sơ của khung cảnh nhưng lại quyến rũ được rất nhiều người không riêng gì giới sinh viên. Những người như danh ca Thái Thanh cũng từng tới đó hát cho sinh viên nghe hay nhạc sĩ Phạm Duy trình bày những sáng tác mới nhất của ông. Khánh Ly được mệnh danh là “nữ hoàng chân đất” và nổi tiếng từ đây khi đem giọng hát mệt mỏi rã rời trình bày các ca khúc Trịnh Công Sơn.
 
Một buổi tối, tôi được tin Toại bị bắn, không biết sống chết ra sao. Khi Toại bị bắn, lúc đó tôi đang làm phóng viên cho Đài Phát Thanh Sài Gòn, và không có mặt.
 
Hoàng Xuân Sơn, người cùng Toại tổ chức Quán Văn, có mặt và đứng gần Toại buổi tối ngày 16/12/1967 khi bọn họ tổ chức cho Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn tại giảng đường mới (đường Cường Để) và bị bắn.
 
Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn (hồi đó cũng là sinh viên Văn Khoa) tường thuật lại vụ bắn trong một hồi ký như sau: “Giờ giải lao, xuất hiện một đôi nam nữ ăn bận khá lịch sự từ từ tiến lên diễn đàn. Nam: quần màu sậm, sơ mi trắng, tay thọc túi quần. Nữ: áo dài xanh lá mạ, đeo kính gọng xếch mắt mèo, tay ôm một chiếc cặp lớn, căng phồng. Ngô Vương Toại đang ở trên sân khấu nói qua về công việc bầu bán ban đại diện sinh viên văn khoa sắp tới.
Nam ngỏ ý xin được góp lời. Nữ đứng sát bên kéo khóa mở cặp. Và rồi trờ tới. Trờ tới nguyên văn: “Xin tất cả anh chị em yên chí. Chúng tôi đã bố trí chung quanh cả rồi – Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm 7 năm thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam...”
 
Cái gì mặt trận!? Nam nói chưa dứt câu, Toại phản ứng lẹ như chớp; nhanh tay giật lại micro: “Ẩu nà, câm mồm!...” Quát: “Đứng im!” Và đoàng đoàng, hai phát súng nổ liên tiếp. Tôi hoa mắt thấy thân hình Toại văng bật vào tường dưới bảng đen. Nhiều phát súng nổ liên tiếp sau đó. Nguyễn Văn Tấn tự Tấn Mốc cầm chiếc ghế nhào lên cứu bạn. Và rồi cũng ăn đạn vào chân té qụy xuống bục sau đó.” (Hoàng Xuân Sơn. Chạm Mặt Tử Thần. damau.org).
Một bạn khác của Toại kể rằng đầu tiên, Toại được bạn bè và một khán giả là sĩ quan hải quân đến nghe hát đưa vào bệnh xá của Hải Quân Công Xưởng cấp cứu vì nơi đó gần nhất. Tuy nhiên, vì không có các trang bị giải phẫu nên Toại được sơ cứu và chuyển gấp đến bệnh viện Bình Dân.
 
Theo lời kể của Nguyễn Văn Tấn bút hiệu Cao Sơn (bạn bè đặt tên là Tấn Mốc, qua đời ở San Jose cuối năm 2013) với người viết bài này cách đây mấy năm. Tấn là một nhân viên của Phủ Đặc Ủy Tình Báo VNCH, có trách nhiệm theo dõi hoạt động của giới sinh viên. Cũng bị trúng đạn trong vụ bắn nhưng vết thương rất nhẹ ở chân, Tấn được lệnh bảo vệ an toàn cho Toại ở bệnh viện. Một đêm có kẻ lạ mặt vào phòng Toại nằm trị thương rút súng bắn nhưng Tấn nhanh tay hơn, rút súng bắn trước nên hạ được tên VC được lệnh giết Toại cho chết luôn. Nhiều truyền đơn của VC rải ở một số trường đại học lên án tử hình một số sinh viên, tham gia Liên Minh Á Châu Chống Cộng, trong đó có tên Ngô Vương Toại. Nếu không có Tấn Mốc nhanh tay và bình tĩnh phản ứng, có lẽ Toại đã bị chúng giết chết từ ngày đó." (ngưng trích)

Nhà báo Phạm Trần, trong bài viết nhan đề “Ngô Vương Toại, Một Thời Khó Quên (12/04/1947–03/04/2014)” đăng trên Việt Báo ngày 04/04/2014 đã kể về anh Toại, trích:

“…Khi làm cho đài Phát thanh Á Châu Tự Do ở Hoa Thịnh Đốn trước khi nghỉ hưu thì bút hiệu Phạm Điền đã được Tọai sử dụng. Ngô Vương Toại là người mê làm báo hơn nhiều ông bà Chủ nhiệm các báo nhận anh làm phóng viên. Toại còn là người bạn của bạn mình và của mọi người không phân cấp. Và không ai có thể buồn một người lúc nào cũng nhoẻn miệng cười tươi thân thiện, kể cả những lúc sức khỏe của Toại đã tàn dần trên khuôn mặt của chứng suy yếu gan.
 
Mới tháng 7 năm 2013, khi Ký giả Lê Thiệp, bạn của Toại qua đời, cựu Ký giả Việt Nam Thông tấn xã Trần Công Sung từ Pháp qua đưa đám đã bông đùa với các bạn ngay tại Nhà quàn: ”Cậu Toại tuy yếu đấy nhưng còn lâu mới đi dược. Cậu đã qua nhiều phen nên chai rồi.”
 
Toại cười rộ lên chêm vào: ”Tôi đã quá đát rồi!”
 
Cũng với thái độ sống lạc quan này đã đưa Toại vào làng báo Việt Nam ở Hoa Kỳ. Vào năm 1983, Toại đã bỏ “làm công cho chủ Building Mỹ” để cùng làm báo chung với Thi sỹ qúa cố Giang Hữu Tuyên trên Tuần báo Hoa Thịnh Đốn Việt Báo. Vài năm sau Toại một mình “ra quân” với Bán Nguyệt báo Diễn Đàn Tự Do nhưng cũng chỉ cầm cự được một số năm vì Toại không có khiếu làm Chủ báo. Tuy sống ngắn nhưng Diễn Đàn Tự Do cũng đã để lại cho độc giả ở mọi nơi, đặc biệt vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn nhiều kỷ niệm rất đáng trân qúy với nội dung đứng đắn, thông tin trung thực và các buổi “Đêm Diễn Đàn Tự Do” với nhiều khuôn mặt văn nghệ lớn thời Việt Nam Cộng Hòa.
 
Cuộc sống của Ngô Vương Toại là một thời khó quên vì tên anh đã gắn liền với những thăng trầm của cuộc chiến Quốc-Cộng ở Sài Gòn thời 1967. Khi sống tị nạn ở Mỹ, có lẽ ít người còn nhớ đến tờ Diễn Đàn Tự Do nhưng không ai có thể quên được hình ảnh một Ngô Vương Toại đã gắng sức vịn vào chiếc Walker đi hàng đầu trong đoàn biểu tình của một ngày tưởng niệm 30/4 ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.”(ngưng trích)

Tấm hình độc đáo trong bài “Ngô Vương Toại, Một Thời Khó Quên (12/04/1947–03/04/2014)” của nhà báo Phạm Trần: nhà báo Ngô Vương Toại gắng sức vịn vào chiếc Walker đi hàng đầu trong đoàn biểu tình của một ngày tưởng niệm 30/4 ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Nhớ tới hai anh Giang Hữu Tuyên và Ngô Vương Toại, cảm xúc của tôi miên man vì xúc động. Bài trên Cỏ Thơm Magazine không viết chi tiết về hai anh Giang Hữu Tuyên và Ngô Vương Toại. Nhưng dịp này, xin ghi lại một số hình ảnh độc đáo của hai nhà báo tiên phong ở Virginia, cũng là hai người đàn anh trong nghề báo. Tôi đã học ở hai anh rất nhiều. Rất là nhiều, không kể xiết, nhiều hơn những gì có thể kể lại. Đó là một thời tôi còn lạ đất, lạ người. Nơi đây, xin làm vài dòng thơ tiễn hai anh:

Không thấy đâu nhà
--- nhớ 2 anh Giang Hữu Tuyên, Ngô Vương Toại
 
Nhớ nhau giữa trời mưa tuyết
chim kêu buồn mấy dặm xa
chép lại dòng thơ từ biệt
bốn phương không thấy đâu nhà. 
.
Nhớ thời lội mưa giao báo
ngã năm, ngã bảy mịt trời
lối nào mà không ướt áo
lạnh ơi giấy mực quê người
.
Nhớ người dòng thơ rất lạ
nhớ người đạn bắn không đau
cùng đi xứ người nắng hạ
mà thương quê mẹ vườn rau
.
Nhớ ơi đường xa sông núi
viết lên muôn tiếng ngàn lời
mưa chữ khắp trời như suối
lối nào cũng ngập buồn ơi.
                  --- Phan Tấn Hải, 6/2021

GHI CHÚ: Cỏ Thơm Magazine có trang nhà ở https://cothommagazine.com/  Trong ấn bản tháng 6/2021, một chủ đề chính là tưởng niệm họa sĩ Bé Ký (1938-2021) với hai bài viết đặc biệt về họa sĩ  Bé Ký của nhà báo Vương Trùng Dương và nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy. Trong ấn bản đặc biệt này, cũng có nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng khác, trong đó có bài của GS Nguyễn Văn Sâm, truyện ngắn Tràm Cà Mau…

Author