Về Thủ Đức năm canh thức đủ (Ca Dao)
Không biết từ hồi nào, câu ca dao này cứ ở trong tâm tôi mỗi khi tôi nhớ đến Thủ Đức. Một địa danh mà hai phần ba Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không thể nào quên. Đó là nơi đã khai sinh ra Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đổi thành Trường Bộ Binh, trên đồi Tăng Nhơn Phú. Từ năm 1951 đến năm 1974 đã đào tạo đa số cấp chỉ huy tài ba của Quân Lực VNCH. Với phù hiệu Cây Kiếm Thiêng và Ngọn Lửa Hồng và dòng chữ Cư An Tư Nguy. Hơn một trăm ngàn sĩ quan tài ba đã được xuất thân tại đây, lan tỏa khắp Bốn Vùng Chiến Thuật, trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống Tự Do cho nhân dân Miền Nam Nước Việt suốt chặng đường dài của lịch sử cho đến 30 Tháng Tư Đen 1975. Tính đến tháng 3 năm 1975 có tổng cộng 50 khóa học tai Thủ Đức và 6 khóa tại Long Thành, đào tạo hơn 80 ngàn Sĩ Quan Trừ Bị và hơn 20 ngàn Sĩ Quan Học Viên các khóa cấp cao như Đại Đội Trưởng và Bộ Binh Cao Cấp. Đã có 42 vị Tướng Lãnh các cấp xuất thân từ Trường Bộ Binh Thủ Đức trong tổng số 81 vị Tướng Lãnh của Việt Nam Cộng Hòa (Nguồn: Wikipedia)
Khóa 22 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức
Bài này viết theo thể Tùy Bút ghi lại cảm xúc thương nhớ trùng trùng của một cựu Sinh Viên Sĩ Quan nhớ về Trường Mẹ nên chỉ tóm tắt, không ghi chép đầy đủ Tiểu Sử của Trường.
Tôi nguyên xuất thân khóa 22 Sĩ Quan Trừ Bị. Tham khảo tài liệu trên Internet đến đoạn Khóa 22 thì bỏ trống, không có tin tức về khóa 22, thật lạ! Do đó, tôi xin kể chuyện Khóa 22 Thủ Đức. Những kỷ niệm buồn vui cá nhân không phải là ghi chép lịch sử.
Khoảng tháng 10 năm 1965, tôi đang nhởn nhơ vui chơi với cô bạn gái mới quen ở Sài Gòn thì nhận được giấy gọi của Nha Động Viên phải trình diện nhập học khóa 22 Thủ Đức. Tôi trình diện trễ nên được ghép vào Trung Đội 73, Đại Đội 19. Cùng một lúc lãnh hai số bù. Không tin dị đoan, nhưng quá trình xảy ra sau đó chứng minh số bù xui là chuyện có thật.
Khóa 22 có 20 Đại Đội.
Chỉ Huy Trưởng Trường SĨ Quan Trừ Bị Thủ Đức lúc đó là Đại Tá Trần Văn Trung.
Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Sinh Viên là Thiếu Tá Viên.
Thủ Khoa Khóa 22 là Chuẩn Úy Trần Xuyên (Nguyên Hiệu Trưởng Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Đà Nẵng)
Các Đại Đội 17, 18, 19, 20 nằm ở các dãy nhà tôn sát hàng rào bên phải cách Liên Đoàn Sinh Viên một con đường nhựa.
Đại đội 19 gồm 4 Trung Đội mang số 73, 74, 75, 76. Đại Đội Trưởng là Trung Úy Hội, các Trung Đội Trưởng là Thiếu Úy Lê Song, Thiếu Úy Toàn (Tây Lai), Chuẩn Úy Vỹ và một Thiếu Úy nữa không nhớ tên. Tôi thuộc Trung Đội 73 do Thiếu Úy Lê Song làm Trung Đội Trưởng. Về phần sinh viên có một Đại Diện do Đại Đội Trưởng chỉ định là sinh viên Nguyễn Xuân Tám lo việc tập họp, sắp hàng, hô khẩu lệnh khi di chuyển đếm bước một hai ba bốn… Anh Tám rất nghiêm nghị, điều khiển Đại Đội rất tốt.
Trung úy Hội, Đại Đội Trưởng là một Sĩ Quan gốc Nhảy Dù, hình như bất mãn với cấp trên nên bất cần đời, sinh viên có phần dễ thở nhưng không được lòng Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Sinh Viên lắm. Kết quả là Đại Đội 19 chuyên môn lãnh Cờ Đen trong điểm thi đua, Đại Đội nào đứng nhất thì được Cờ Đỏ và Đại Đội 19 chuyên môn Cờ Đen, bị phạt chạy đều đều…
Bài Lục Quân Việt Nam luôn được hát vang trên đường di chuyển quanh trường:
“Đường trường xa ta quyết đi cho đến cùng…Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang…Đi đi đi… lời thề nguyền… tung gươm thiêng…Thi gan trai… đời hùng cường…Quyết chiến đấu…Đoàn quân ra đi… Một hai ba bốn…Một hai ba bốn…”
Trên những đoạn đường quanh đồi Tăng Nhơn Phú, đoàn trai trẻ áo trận giầy xô, đẫm ướt mồ hôi, miệng hát vang khúc quân hành, đó là hình ảnh khó quên của cuộc đời sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
Đại Diện Sinh Viên Đại Đội Nguyễn Xuân Tám điều khiển anh em suốt giai đoạn 1, hết giai đoạn 1 đi ngành, một mình Nguyễn Xuân Tám được về Nha Kỹ Thuật (Biệt Kich Dù), rất hách. Khi qua Mỹ, tôi đã gặp lại cựu Đại Úy Nguyễn Xuân Tám ở Virginia
Giai Đoạn 1 thời gian 18 tuần, trong đó có 8 tuần Huấn Nhục, không được nghỉ phép do đó thân nhân được đến thăm tại Khu Tiếp Tân, ghi lại những kỷ niệm đẹp trong thời Sinh Viên Sĩ Quan.
Kết thúc 8 tuần huấn nhục là Lễ gắn Alpha. Đêm Alpha là đêm vui nhất của Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức. Được phép mời gia định đến dự lễ, ngồi trên khán đài danh dự chứng kiến nghi lễ trọng thể trên Vũ Đình Trường. Sau đó Sinh Viên cùng gia đình thân nhân được xe buýt chở về tới chợ Bến Thành, được nghỉ kỳ phép đầu tiên với bộ đồ màu vàng có Alpha trên cầu vai, đội nón Kết oai phong lẫm liệt.
Đặc San Đời Lính.
Đại đội 19 thay vì góp bài cho báo Thủ Đức của trường lại chủ trương tự ấn hành một Đặc San riêng của Đại Đội. Trong Đại Đội có nhiều anh em viết văn làm báo ngoài đời mới bị động viên vào do sinh viên Trần Văn Chương (Nguyên giáo Sư Đồng Khánh-Huế) làm Chủ Bút và Chuẩn Úy Vỹ làm Chủ Nhiệm, tập trung nhiều bài thơ, tùy bút, truyện ngắn rất hay, nội dung ca tụng Đời Lính. Nhờ có nhiều anh trong Đại Đội là cựu nhân viên của nhiều hãng xưởng ở Sài Gòn mới nhập ngũ, về vận động xin quảng cáo nên phần tài chánh rất tốt. Có thể đây là lần đầu tiên một Đại Đội Sinh Viên làm được tờ báo như thế, báo đã được giới thiệu trên Chiến Sĩ Cộng Hòa nhờ Nhà Thơ Trần Dạ Từ.
Để ăn mừng sự thành công của Đặc San Đời Lính, Đại Đội 19 đã tự tổ chức một Đêm Văn Nghệ ca nhạc ngay trước sân của Đại Đội, tập trung rất đông Sinh Viên các Đại Đội khác đến xem. Nhiều Ca Sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn lên hát ủng hộ, đêm hôm đó Ca sĩ Phương Hoài Tâm đã hát một lúc ba bài được hoan nghênh nhiệt liệt. Tất cả là nhờ công của Chuẩn Úy Vỹ, một cán bộ Trung Đội Trưởng trẻ tuổi đẹp trai rất được lòng Sinh Viên. Sau này, đầu năm 1975 tôi về Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở Lai Khê, tôi gặp lại Chuẩn Úy Vỹ đã là Đại Úy ở Trung Đoàn 7 thuộc SĐ5, rất phong sương.
Nổ Lựu Đạn Lân Tinh.
Không tin dị đoan nhưng số bù xui là có thật. Trung Đội 73, Đại Đội 19, hai số bù. Trong buổi học xử dụng chất nổ ở ngoài bãi tập thực hành, một Sinh viên vô ý đã vấp phải một quả lựu đạn lân tinh phát nổ, làm bị thương hầu hết anh em trong Trung Đội. May là không có ai chết, nhưng nhiều người bị cháy bỏng rất nặng, nằm bệnh viện Cộng Hòa cho tới ngày mãn khóa.
Tôi may hôm đó thoát nạn nhờ đi phép về trễ bị Trung Úy Hội ra lệnh nhốt vào phòng giam kỷ luật 301 nên tôi không có mặt trong buổi thực tập. Xui mà trở thành hên!
Rồi ngày tốt nghiệp giai đoạn 1 cũng tới, có người vui vì được đi ngành chuyên môn như Pháo Binh, Công Binh, Truyền Tin, Quân Nhu, Quân Cụ, Chiến Tranh Chính Trị… Số còn lại tiếp tục giai đoạn 2, nắng cháy thao trường. Quân số thu lại còn 12 Đại Đội. Đại Đội 19 giải tán. Tôi được chuyển lên Đại Đội 3 của Trung Úy Hạnh, một sĩ quan tốt nghiệp Trường Võ Bị Đà Lạt. Trung đội trưởng có Thiếu Úy Cự (Sau lên Thiếu Tá, về SĐ18BB ở Trung Đoàn 52 và tử trận ở Xuân Lộc). Tôi thuộc Trung Đội của Chuẩn Úy Trang (sau lên Đại Úy về SĐ18BB Khối Chiến Tranh Chính Trị).
Khóa 22 thay đổi Lễ Phục tham dự Diễn Hành Ngày Quân Lực Đầu Tiên của QLVNCH 19 Tháng 6 năm 1966.
Giai đoạn 2 bắt đầu học rất vất vả, ngoài chương trình học còn tập trung vào việc tập diễn hành để tham dự Ngày Quân Lực đầu tiên 19 tháng 6 ở Sài Gòn. Gặp mùa nắng nóng hàng ngày diễn tập trên sân Vũ Đình Trường. Tôi lùn, nhỏ con vẫn bị chọn đứng hàng cuối. Ngày Lễ 19 Tháng 6, đang đi diễn hành ngang qua khán đài, bị pháo kích nhưng vẫn giữ được đội hình đẹp, được khen ngợi. Lần đầu tiên Khóa 22 trình diễn bộ Lễ Phục mới của Sĩ Quan Thủ Đức.
Thực tập bắn Đại Liên 50.
Trong buổi thực tập bắn đại liên 50. Mỗi Đại Đội chia làm ba toán thay phiên nhau. Toán xạ thủ, toán phụ xạ thủ, toán quay bia (là một hình nộm). Đầu tiên tôi thuộc nhóm quay bia, phải chui xuống hầm, khi có lệnh thì quay bia lên để toán xạ thủ nhắm bắn, rất nguy hiểm. Trường bắn kể từ khóa 21 đàn anh xử dụng đã lâu, cỏ mọc um sùm, dưới hầm là hang ổ của chuột, cóc nhái, kể cả rắn ẩn nấp. Tôi là chúa sợ cóc, sợ rắn. Mới xuống hầm chuẩn bị quay bia, bất ngờ một con rắn to, dài đang đuổi một con cóc trong hang tuồn ra ngay dưới chân tôi. Hoảng quá tôi nhảy lên miệng hầm ngay lúc Sĩ Quan Huấn Luyện Viên ngồi trên đài cao cầm loa ra lệnh:“Bắn”.
May quá, anh bạn Phụ xạ thủ nhanh mắt nhìn thấy tôi nên đã nhanh tay đẩy phần đuôi đại liên sang một bên trong lúc anh Xạ thủ bấm cò nổ nguyên băng đạn. Khói bụi mịt trời nhưng không trúng bia và tôi. Trung úy huấn luyện viên trên đài chỉ huy la ầm lên: – Chuyện gì vậy, chuyện gì vậy?
Cả huấn luyện viên và cán bộ Đại Đội ra lệnh tập trung đại đội trước sân cỏ. Tôi phải đứng trước Đại Đội trình bày sự việc. Run quá nói không ra lời. Cả Đại Đội cười ầm lên. Còn tôi bị phạt hít đất cho đến xỉu. Chuyện này là một kỷ niệm không bao giờ quên.
Tham gia công tác Bầu Cử Tổng Thống.
Khóa 22 là khóa đầu tiên tham gia công tác bầu cử Tổng Thống và Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa. Sinh viên toàn khóa được chia thành nhiều toán, mỗi toán do một sĩ quan chịu trách nhiệm đi đến tất cả các tỉnh thành để quan sát cuộc bầu cử xong về báo cáo lại trung ương. Toán của tôi do Chuẩn Úy Trang dẫn đầu, bốc thăm trúng tỉnh Quảng Ngãi. Lần đầu tiên đang học trong quân trường lại được đi làm công tác như một chuyến du hành rất thích thú. Ra Quảng Ngãi được Tỉnh Trưởng tiếp đón nồng hậu. Ngày bầu cử tôi được phân nhiệm về Quận Nghĩa Bình Sơn (Nam Ô). Đêm trước ngày bầu cử bị pháo kích nhưng không gây thiệt hại. Tôi may được gặp lại anh bạn cũ người Huế là Trung Úy Trần Đào, Trưởng Ban 3 Chi Khu nên rất vui. Kết quả bầu cử rất tốt. Ngày về được Bác Sĩ Tỉnh Trưởng khen ngợi toán công tác, được tặng kẹo gương đặc sản làm quà kỷ niệm.
Mãn Khóa
Sau công tác bầu cử, đoàn sinh viên trở lại trường tiếp tục các bài học cuối khóa. Bài học cuối cùng là Hành quân vượt sông, thực hành bên cầu Rạch Chiếc. Có lẽ thời gian học của Khóa 22 là dài nhất, một năm. Cuối tháng 12 năm 1966 mới mãn khóa. Lễ Mãn Khóa được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến tham dự. Thời gian này Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Trần Văn Trung đã được thăng cấp Chuẩn Tướng. Tại Vũ Đình Trường trên đồi Tăng Nhơn Phú buổi lễ diễn ra rất oai nghiêm với thân nhân ngồi chật trên khán đài danh dự. Khẩu lệnh: -“ Quỳ xuống các ngươi” vang lên trên loa phóng thanh. Tất cả sinh viên quỳ xuống. Sau khi được gắn lon Chuẩn Úy. Loa phóng thanh lại vang lên:-”Đứng dậy các Tân Sĩ Quan’’. Kể từ giờ phút thiêng liêng đó, những người trai thời đại đã mang trên vai mình Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm. Thủ Khoa khóa 22: Chuẩn Úy Trần Xuyên.
Ngày kế tiếp đầy lo lắng hồi hộp. Không biết mình sẽ đi đơn vị nào. Và thời gian đã đến, tôi bất ngờ được gọi tên đi ngành Quân Báo. Thế là ba lô lên đường tiếp tục về một Quân Trường mới. Trường Quân Báo Cây Mai (Chợ Lớn) vào đúng dịp lễ Tết Tây 1967.
Tính đến nay đã 56 năm, nhìn lại Thủ Đức chỉ còn lại dấu tích cái cổng rêu phong. Đồi Tăng Nhơn Phú vẫn còn đó. Đồi Tăng Nhơn Phú là một Linh Địa. Có phải dời trường Thủ Đức khỏi Tăng Nhơn Phú là một điềm xui sao?
Bạn cùng khóa gặp lại có: Hà Văn Úc (Cùng khóa cùng đơn vị Biệt Đội Quân Báo SĐ 18), Đàm Quang Dực (Cùng khóa cùng đơn vị Biệt Đội Quân Báo SĐ5), Trần Dũng (Cùng trại Long Giao), Nguyễn Xuân Tám (Virginia), nhà thơ Phan Khâm, nhà văn Lê Minh Thiệp trong Tạp Chí Cỏ Thơm…
Còn ai nữa? Ai còn ai mất
Nghe như đâu đó:
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn
Dấu binh lửa nước non như cũ
Kẻ hành lương qua đó chạnh thương
Phận trai già ruỗi chiến trường
Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về…
(Chinh Phụ Ngâm)
Về Thủ Đức Năm Canh Thức Đủ
Thủ Đức ơi ! Thủ Đức ơi !…
Đăng Nguyên – Maryland, tháng Tư 2023
MỜI XEM TOÀN BÀI pdf:
https://cothommagazine.com/wp/wp-content/uploads/2023/07/NhoThuDuc-DangNguyen-2023.pdf