Nước mắt tháng 4

Trích trong tập truyện “ Hoa Tương Tư” xuất bản tháng 3, 2017

Tháng 4 là tháng đẹp nhất của mùa xuân ở vùng Thủ Đô Hoa Kỳ vì là tháng trăm hoa đua nở. Đặc biệt nhất là Hoa Anh Đào đã thu hút không biết bao nhiêu du khách từ khắp nơi đổ về. Suốt cả tháng 4, đủ các loại hoa đua nhau khoe sắc. Hoa đào tàn, thì hoa ‘tuy líp’, hoa dogwood v.v… tiếp tục đơm hoa. Cả vùng thủ đô rộn ràng lễ hội mùa xuân.

sakura, chery blossom, flowers

Là người mê hoa và phong cảnh đẹp, như vậy tôi phải vui sướng mà đón mừng tháng đẹp nhất của vùng Hoa Thịnh Đốn chứ. Nhưng, cái chữ nhưng quái ác, tháng 4 lại là tháng đau thương nhất của quê hương tôi, của dân tộc tôi, của gia đình tôi. Do đó ‘người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ?’ Cứ đến tháng 4, tôi lại nhớ đến những ngày cuối cùng buồn thảm ở quê hương tôi, quê hương Việt Nam yêu dấu. Những ngày thật hoảng loạn, đau thương. Trước đó các tỉnh miền Trung từ từ thất thủ và quân đội được lệnh phải rút lui. Chồng tôi đang là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân ở Cam Ranh. Anh phải đưa hơn 3 ngàn khoá sinh và nhân viên từ Cam Ranh về tạm trú ở Trung Tâm Sản Xuất Quân Trang ở gần bến Bạch Đằng Sài Gòn. Anh phải cấm trại liên miên. Mỗi ngày chỉ được về nhà ăn cơm vội vàng rồi phải trở lại trại ngay.
Những lời dặn dò của nhà tôi khiến tôi luôn có cảm giác lo sợ như những lời chia tay cuối cùng.
“Em phải lo chuẩn bị tinh thần. Cộng sản có thể tấn công Sàigòn bất cứ lúc nào. Nếu chúng vào bằng ngả Hàng Xanh (gần khu cư xá Hải Quân Thị Nghè nơi gia đình tôi ở) Anh không thể về đón gia đình được. Em phải thu xếp đưa các con về ở với ông ngoại và me. Cố gắng nuôi con.” Anh nói giọng nghẹn ngào.
“ Anh không biết số phận mình sẽ ra sao. Nhưng anh sẽ ở với các khoá sinh và nhân viên của anh cho đến giây phút cuối, nếu chưa có lệnh tan hàng. Anh em sống chết có nhau. Nếu Chúa thương, anh còn sống, anh sẽ tìm cách liên lạc với em và các con.”
Những lời dặn dò nát lòng đó vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Cũng may, chiều 29 tháng 4 nhà tôi gọi điện thoại báo tin anh sẽ về đón gia đình đi, tôi mừng rỡ đến chẩy nước mắt. Tôi quýnh quáng kiểm soát lại hai valise quần áo của vợ chồng con cái và 4 túi xách nhỏ đựng vật dụng cần thiết cho 4 đứa con.
Tôi chợt nhìn thấy mấy cuốn album, Trời ơi! Bao nhiêu là kỷ niệm quí giá của tôi mà tôi quên mất. Tôi vội vàng dở từng cuốn, chọn những tấm ảnh mang nhiều kỷ niệm đặc biệt trong đời để mang theo. Chồng tôi bước vào nhà, anh la lớn khi thấy tôi ngồi lúi húi gỡ hình trong mấy cuốn album. Anh hét lên!
“Bây giờ mạng sống là cần nhất, lo thuốc men và chút đồ ăn cho các con để sống cầm hơi. Gia đình mình chưa biết sẽ lưu lạc đi đâu, ở đó mà lo mấy tấm hình.”
Những lời nói của anh rất đúng, nhưng khốn nỗi với con người quá tình cảm lẩm cẩm của tôi, anh có biết đâu, kỷ niệm là những bảo vật vô giá, làm sao tôi có thể không mang theo những tấm ảnh đó được.
Dắt bốn đứa con, theo anh bước ra cửa. Tôi ngoái nhìn lại căn nhà thân yêu với bao nhiêu đồ đạc, vật dụng dùng hàng ngày. Tôi có cảm tưởng như chúng có linh hồn, chúng đang gào thét, sao tôi nỡ bỏ chúng ra đi. Lòng tôi đau như cắt, nước mắt thi nhau chẩy, tôi biết là sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội trở về sống ở căn nhà thân yêu nữa.
Mẹ tôi đến tiễn tôi, bà đứng nhìn theo mắt đẫm lệ. Mẹ tôi phải ở lại vì ông ngoại tôi quá già yếu, mắt lại mờ, đi đứng chậm chạp nên không thể nào theo nổi đoàn người di tản trong hoàn cảnh cấp thiết, dầu sôi lửa bỏng như thế này.
Bước chân lên chiếc xe Jeep để đi ra bến tàu ruột tôi như đứt từng khúc. Xe chuyển bánh, tôi ngoái nhìn ra phía sau, bóng mẹ tôi nhỏ dần rồi mất hút. Nước mắt tôi thi nhau chảy, những hình ảnh cuối cùng của khu phố quen thuộc thân yêu nhạt nhòa theo những giòng nước mắt.