Đời sống bận rộn với những hối hả của cuộc sống trên đất Mỹ khiến 40 năm qua nhanh đến không ngờ. Nhớ ngày nào của tháng 4 năm 1975 tôi rời quê hương với một tâm trạng lo buồn cùng cực. Lo vì không biết tương lai sẽ đi về đâu. Đang có một cuộc sống đầy đủ hạnh phúc bỗng dưng như một giấc mơ, chúng tôi “bừng con mắt dậy, thấy mình tay không”. Hai vợ chồng, 4 đứa con thơ, đứa lớn nhất 13 tuổi, bé nhất 8 tuổi, ra đi với 2 bàn tay trắng theo giòng người di tản không biết sẽ trôi dạt đến đâu.
Nhờ có bà dì ruột đã ở sẵn bên Mỹ vì chồng bà làm cho tòa Đại Sứ VN ở Washington DC, chúng tôi được trưởng nam của bà là cậu em Nguyễn Hoàng Diệu có quốc tịch Mỹ bảo lãnh gia đình tôi, nên chúng tôi được tá túc trong thời gian đầu khi chưa có công ăn việc làm. Hai vợ chồng, 4 đứa con ở chung trong một phòng ở dưới basement nhà bà. Tuy chật chội nhưng ấm cúng tình gia đình, nên chúng tôi rất vui mừng. Khi tôi kể chuyện về thời gian đầu cho 1 cô bạn thân nghe, cô ấy đã nói đùa trêu tôi “Thế thời gian ở chung như vậy làm sao hai vợ chồng mi làm ăn.” Tôi phì cười và ngẩn mặt ra “ừ nhỉ, nếu tôi nhớ không nhầm thì suốt thời gian dài ở nhà bà dì, vợ chồng chúng tôi đã quên luôn “cái khoản đó” Ban ngày 2 vợ chồng lo đi lao động. Vợ đi làm bồi cho một coffee shop. Chồng làm cashier cho một tiệm ăn Hy lạp.
Cũng may nước Mỹ mở rộng vòng tay chào đón những người tị nạn. Cho dù guồng máy chính trị của đất nước này đã dự phần trách nhiệm làm chúng tôi mất quê hương về tay cộng sản. Nhưng những người dân Mỹ tốt bụng , họ có trách nhiệm gì với chúng tôi đâu mà vẫn cố gắng giúp đỡ chúng tôi trong những bước đầu khó khăn, không cửa không nhà, không công ăn việc làm. Họ đón chúng tôi bằng cảm tình nồng ấm.Tôi nhớ mãi nụ cười của một bà lão da đen thật hiền hoà khi thấy tôi đi qua trước mặt bà. Những bàn tay nhỏ bé vẫy vẫy tôi của mấy em học sinh đi học trên xe bus vàng của nhà trường, khi xe lướt qua mặt tôi, lúc tôi đứng đợi đèn xanh để qua đường. Một người đàn ông Mỹ ân cần hỏi tôi có cần ông ta giúp khi thấy tôi khệ nệ ôm bịch đồ ăn mới mua ở chợ ra xe. Những cử chỉ nhỏ của thuở ban đầu đó, là niềm an ủi, niềm vui cho những kẻ tha hương chân ướt chân ráo đến một đất nước xa lạ.
Cả 2 vợ chồng về đến nhà là mệt nhoài, lo cho 4 đứa con và cũng phải phụ lo cơm nước với bà dì. Tối đến vợ chồng con cái 6 mạng chui vào phòng ngủ chung. “Làm ăn” gì nổi cơ chứ, và “làm ăn” cách nào, khi 4 đứa con với 8 con mắt tinh như ma ở xung quanh trong 1 cái phòng chả rộng rãi gì cho lắm.Lúc đó chúng tôi còn trẻ, vợ 34 tuổi, chồng mới có 43. Vậy mà cuộc sống bận rộn khiến chúng tôi chả nghĩ gì đến những chuyện “trần tục” đó, và quả thật cũng không thấy cần thiết nữa.
Có công ăn việc làm rồi, chúng tôi mới dọn ra riêng. Chồng tôi là một người cha thương con và lo cho con vô cùng. Cả 2 vợ chồng tôi đều coi việc lo cho các con là ưu tiên số 1. Hồi ở VN, cả 4 đứa con tôi đều học đàn piano. Cuộc di tản làm viêc học đàn của các cháu gián đoạn gần cả năm trời.Khi có việc làm và chuẩn bị dọn ra ở riêng, chồng tôi nghĩ ngay đến việc phải cho các cháu được tiếp tục học đàn vì gián đoạn lâu quá sợ các cháu sẽ quên hết. Vì việc học đàn của các con chúng tôi phải thuê nhà riêng để ở thay vì có thể ở apartment, mỗi tháng tiền thuê rẻ bằng nửa tiền thuê nhà, nhưng họ không cho phép đánh đàn vì sợ ồn làm phiền hàng xóm.
Có nhà ở rồi chúng tôi tính tới việc mua đàn cho các con tập dượt. Vì học đàn mà không có đàn để tập hàng ngày thì cũng như không.Việc mua đàn mới là một sự liều lĩnh ít ai dám làm vào thời điểm đó. Khi dọn ra ở riêng, sau khi mua 1 cái xe để gia đình có phương tiện di chuyển, vốn liếng chúng tôi chỉ còn chưa được 2 ngàn đô. Chúng tôi đi kiếm mua 1 cái đàn cỡ trung bình giá là 1600 đô. Chúng tôi xin mua trả góp. Nhìn sổ lương của chúng tôi mà phải nuôi tới 4 đứa con, chủ tiệm đàn nói chúng tôi phải có người co-sign vì không đủ điều kiện để ký giấy mua 1 mình. Tôi vừa mở miệng nhờ cậu em bảo lãnh gia đình tôi cosign dùm cho chúng tôi mua đàn cho các cháu thì cậu tròn mắt lên ngạc nhiên nhìn tôi như nhìn một con quái vật và hỏi tôi bằng 1 giọng gay gắt “anh chị có điên không? Bây giờ lo sao cho đủ ăn đủ mặc là may, còn bày đặt cho con học đàn. Bộ chị tưởng anh ấy vẫn còn là Đại tá HQ à? Em còn không nghĩ đến chuyện cho con em học đàn, huống hồ anh chị, mới chân ướt chân ráo đến đây. Dẹp những chuyện viển vông đó đi.” Biết là cậu em nói rất đúng, nhưng tôi cũng tủi thân và dù cố kìm hãm mà nước mắt vẫn ứa ra.Tôi kể lại cho nhà tôi nghe rồi hai vợ chồng bàn tới bàn lui, cuối cùng nhà tôi đi đến quyết định là vẫn mua đàn và trả cash luôn hết. Lý do vì chúng tôi nghĩ âm nhạc rất cần thiết cho đời sống, nó làm cho tâm hồn con người phong phú hơn. Nếu các con tôi có thú vui giải trí là âm nhạc thì sẽ không còn thì giờ rảnh rỗi để có thể sa ngã vào những thói hư tật xấu của tuổi trẻ.
Sau khi mua đàn cho các con, vốn liếng gia đình tôi còn đúng 90 đô la. Chúng tôi đã tạo dựng gia đình mới trên đất Mỹ với con số khởi đầu là 90 đô. Mua đàn cho các con rồi thì phải lo tìm thầy dậy đàn cho chúng. Chúng tôi đã may mắn tìm được 1 bà giáo dậy đàn người Nhật, Bà Ellen Sakai rất tốt bụng, bà bằng lòng đến tận nhà dậy cho 4 cháu, mỗi tuần 2 giờ, mỗi đứa được học nửa giờ và chỉ lấy nửa giá là 10$ 1 giờ, thay vì giá của bà là 20$ 1giờ.
Tiền lương 2 vợ chồng tôi tiêu vừa xoẳn cho việc trả tiền nhà, điện nước đổ xăng và tiền chợ. Bây giờ 1 tháng phải chi thêm 80 đôla tiền học đàn cho các con. Kiếm đâu ra bây giờ? 80$ đô la cash thời đó khá lớn, vì lương tối thiểu có 2$ 10 cent 1 giờ rồi còn phải trừ thuế nữa. Cuối cùng, tôi kiếm được việc làm đi dọn nhà cho một bà khách hàng người Mỹ vẫn đến coffee shop tôi làm uống café. Bà ấy bằng lòng trả tôi 20$ cash mỗi tuần với công việc đến dọn nhà, lau chùi, hút bụi cho bà ấy. Tôi mừng húm nhận lời liền. Tôi vui vẻ, hào hứng khi hút bụi, lau chùi cửa kính cho căn nhà rộng lớn của bà không nề hà công việc vất vả. Nhưng khi phải dọn dẹp phòng tắm và cúi xuống lau cái bồn cầu dù rất sạch sẽ, nước mắt tôi bỗng ứa ra. Tôi còn nhớ, tôi đã đóng kín cửa đứng khóc lặng lẽ một mình rất lâu khi nghĩ đến những ngày vàng son ở VN và nghĩ đến thân phận mình bây giờ. Càng nghĩ, càng tủỉ thân và cứ đứng khóc mãi. Hôm đó tôi về nhà, lòng nặng trĩu u sầu. Nhưng buổi tối khi nghe tiếng đàn réo rắt từ những bàn tay nhỏ bé của các con, tôi bỗng vui ngay và tự nhủ lòng “mình hy sinh cho các con được tiếp tục cuộc sống đầy đủ như những ngày còn ở VN, thì mình phải cảm thấy hài lòng và hãnh diện chứ, sao lại tủi thân và buồn!” Từ đó, mỗi tuần khi dọn nhà cho bà khách hàng người Mỹ, đến lúc phải chùi cầu tôi không cảm thấy buồn nữa mà ngạc nhiên thấy mình rất vui vẻ và miệng còn hát líu lo. Tôi tiếp tục công việc dọn nhà cho tới hơn 1 năm sau, khi tôi học xong nghề Cosmetologist và đi làm rồi tôi mới “say goodbye” bà khách hàng của tôi.
40 năm qua, đời sống đã ổn định, các con đã thành đạt. Đời mình đã bước vào tuổi hoàng hôn, có thể “chợt tắt” bất cứ lúc nào. Tôi vẫn không quên được cái “thuở hàn vi” đó và cảm thấy hài lòng là vợ chồng tôi đã làm thật tròn bổn phận và trách nhiệm với 4 đứa con thân yêu của mình bằng tất cả cố gắng và tình thương vô bờ bến.
Tháng 4/2015
Author
-
Trong Ban biên tập Tam cá nguyệt san Cỏ Thơm. Thành Viên Câu lạc bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn và Nhà Việt Nam. Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ (2018-2021)
View all posts