Tìm Đề Tài Khi Không Biết Chụp Gì

Giới thiệu đến quý độc giả bài viết và ảnh nghệ thuật minh họa của nhiếp ảnh gia Vũ Công Hiển về tìm đề tài để chụp ảnh qua các sinh hoạt đời thường.

Có những ngày bạn muốn chụp ảnh nhưng lại không biết phải chụp gì. Dưới đây là một vài gợi ý cho những ngày như vậy.

1Vào trong bếp: Chụp ảnh đồ ăn thường rất thú vị và rất dễ thực hiện ngay tại nhà bạn. Thậm chí không cần thiết phải chụp ảnh toàn bộ bữa ăn; bạn có thể chụp ảnh một số nguyên liệu, hoặc một số thứ đơn giản như ly rượu vang, đĩa trái cây… Đừng ngại thử nghiệm; cứ thử nghiệm với ánh sáng, góc độ, khoảng cách và thậm chí cả độ dài tiêu cự. Dưới đây là một số thí dụ chụp ảnh ngay trong bếp vào những ngày không ra chụp ngoại cảnh được.   

2. Ra vườn sau: Nếu vườn sau của bạn có trồng hoa dù là trồng trong chậu thì bạn cũng có thể chụp hoa với đủ góc ảnh với ánh sáng khác nhau bằng ống kính macro. Điều chỉnh khẩu độ để không thấy một hậu cảnh quá rõ. Ngay cả một cọng cỏ cũng có thể dùng làm đề tài cho ống kính macro trong những ngày phải quanh quẩn ở nhà.

3. Chụp tĩnh vật: Chúng ta đã quen nhìn những hình ảnh macro về côn trùng và hoa lá, nhưng nếu bạn có một ống kính macro, tại sao không thử chụp một thứ khác; một cái gì đó đơn giản như một vật dụng trong nhà có thể tạo ra một hình ảnh thú vị. Vì vậy hãy sáng tạo và đừng ngại chụp những thứ khác thường hoặc tầm thường.

4. Tới sở thú: Tại sở thú bạn có thể tự đặt cho mình nhiệm vụ chụp ảnh các loài động vật để chúng trông không giống như đang ở trong sở thú. Ví dụ, khi chụp ảnh con vật tại một khu chuồng được bao quanh bởi một hàng rào sắt dày; thì phải chụp sao cho không thấy hàng rào đó. Vì vậy, cần sử dụng ống kính zoom từ xa để có thể kéo con vật lại sát gần hơn. Điều này có thể dẫn đến một số hình ảnh thú vị. Ngoài sở thú ra, có thể đến một công viên, một khu chợ địa phương…

5. Bước ra đường phố: Nhiếp ảnh đường phố không chỉ là về con người. Chụp ảnh đường phố là một điều tuyệt vời để làm nếu bạn thích chụp người. Khi bắt đầu chụp ảnh đường phố, có thể thấy đó là một trải nghiệm căng thẳng, nhưng sau một vài lần, bạn sẽ thấy tự tin hơn. Nó cũng giúp bạn cải thiện con mắt của một nhiếp ảnh gia khi bạn bắt đầu tìm kiếm những hình ảnh đẹp hơn.

6. Đi gặp bạn bè. Chân dung của một người bạn có thể là nguồn thực hành nhiếp ảnh tuyệt vời. Mời một người bạn ra ngoài hoặc đến nhà của họ với máy ảnh và chụp chân dung họ. Bạn bè nói chung sẽ tán đồng và rất vui nếu họ có thể có được một bức ảnh đẹp để sử dụng trên mạng xã hội. Chụp ảnh bạn bè về cơ bản là cách dễ thực hiện để bắt đầu chụp ảnh chân dung.

7. Tự chụp chính mình. Nếu bạn của bạn không thích làm người mẫu ảnh thì bạn luôn có một hình mẫu mà bạn có thể dựa vào, đó là chính bạn. Tự chụp chân dung có thể rất thú vị. Đừng ngại thử nghiệm, bạn nên thử một cái gì đó mới. Chơi với ánh sáng, độ dài tiêu cự, góc độ, thậm chí cả vị trí. Cũng nên nhớ rằng một bức chân dung tự chụp không nhất thiết phải là khuôn mặt của bạn; bạn có thể chỉ chụp một phần của cơ thể, chẳng hạn như đôi mắt, bàn tay…

8. Mở Photoshop ra thực tập: Photoshop có hàng trăm kỹ năng mà người chơi nhiếp ảnh có thể học hỏi. Dùng Photoshop có thể làm cho tấm ảnh đẹp hơn nếu khéo léo, và trở nên xấu hơn nếu vụng về. Do đó thực tập Photoshop cho thành thạo là việc không bao giờ thừa. Các bạn có thể thực tập chỉnh sửa ánh sáng, màu sắc, bố cục, ghép ảnh v.v. sao cho ảnh đẹp hơn hoặc mang tính sáng tạo. Dưới đây là 4 tấm ảnh được chỉnh sửa (ghép) bằng Photoshop.

Nhấn vào bất cứ ảnh nhỏ nào bên trên để xem ảnh lớn và nhấn vào dấu < hoặc > để xem các ảnh lớn khác


Xem các bài viết và ảnh khác của Vũ Công Hiển

Author

  • Vũ Công Hiển

    Vũ Công Hiển vốn là một nhà giáo từ những năm trước 75 ở Saigon. Sang Hoa Kỳ, anh tiếp tục dạy Sử Hoa Kỳ, Toán và Điện Toán (Computer Science). Thú tiêu khiển của anh là nhiếp ảnh. Anh chụp đủ mọi thể loại, từ phong cảnh, sinh hoạt đời thường, đến chân dung.

    View all posts