VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ
Trần Bích San

...Cho dù lâm trọng bệnh, nhà biên khảo Trần Bích San vẫn say mê, miệt mài sửa bản thảo cuốn Việt Nam Văn Học Sử . Ông đã "làm tròn sứ mệnh của người cầm bút" trước khi qua đời ngày 9 tháng 1, năm 2021 ...
TRẦN GIA THÁI (1940-2021)
Bút hiệu: Trần Bích San

“VĂN HỌC LÀ VIỆC MUÔN ĐỜI”

Học giả TRẦN BÍCH SAN
đã làm tròn sứ mạng của người cầm bút
** Trương Anh Thụy **

    Theo người thân trong gia đình thì nhà biên khảo Trần Bích San mất đi do ông quá say mê, miệt mài sửa bản thảo cuốn Văn Học Việt Nam để kịp tái bản vào đầu năm nay, 2021 – lần in đầu ra mắt độc giả vào cuối năm 2018 đã tuyệt bản trong vòng một năm.

    Trong dự định tái bản lần này, không những ông đã sửa hết lỗi đánh máy trong bản thảo cũ, ông còn hoàn tất thêm hơn 1000 trang nữa, gồm những đề tài mà ông cho là còn thiếu trong lần xuất bản trước. Việc làm này đã nâng cuốn biên khảo của ông lên thành hơn 2000 trang! Ông đổi tên cuốn sách là Việt Nam Văn Học Sử và tôi cũng được biết người nhà ông sẽ gửi đi in một ngày không xa. Ông lâm trọng bệnh mà không chịu dành thời giờ đi xét nghiệm. Đến lúc ông quyết định tạm dừng bút để lo cho sức khoẻ thì cũng là lúc ông đã kiệt sức!

    Lúc sinh thời nhà biên khảo Trần Bích San từng tranh luận với tôi nhiều lần quanh đề tài “Viết để làm gì? Tại sao viết?” Ông quan niệm rằng “người cầm bút phải mang một sứ mạng.” Trong LỜI TỰA cuốn biên khảo Việt Nam Văn Học, ông trang trọng trích dẫn một đoạn nói về “sứ mạng nhà văn” của nhà văn Nga, Konstantin Georgiyevich Paustovsky — người được đề cử Nobel Prize về bộ môn văn chương vào năm 1965. Tôi xin lược trích lại như sau:

“Nếu đi sâu vào tận cùng âm hưởng của từ ngữ chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa ban đầu của hai chữ sứ mệnh. Sứ mệnh hàm ngụ ý kêu gọi thiêng liêng

(…)

Cái gì đã thúc đẩy nhà văn tự nhận lãnh lấy công việc tuyệt vời nhưng đầy gian nan và cay đắng đó? Trước hết là tiếng gọi của chính trái tim nhà văn. Tiếng gọi tha thiết của lương tâm, của niềm tin mãnh liệt vào tương lai không cho phép một người cầm bút chân chính giữ những tư tưởng phong phú, những tình cảm tràn trề làm của riêng cho tâm hồn mình, không chịu chuyển giao cho người khác một cách trọn vẹn.

(…)

Theo mệnh lệnh của sứ mạng, nhà văn có thể làm được những điều kỳ diệu và chịu đựng được những thử thách cam go. Nhà văn không thể chùn bước hay đầu hàng, dù chỉ trong giây phút, trước những chướng ngại hay thất bại.”
 
    Nhà biên khảo Trần Bích San kết luận: “Quan niệm nhiệm vụ nhà văn có thể thay đổi theo thời gian, không gian, theo hoàn cảnh xã hội, chính trị, nhưng dù bất cứ ở đâu, thời nào thì sứ mạng người cầm bút chân chính là tiếp tục công việc chính đáng của tiền nhân, thực hiện những ủy thác của dân tộc, thời đại và nhân loại.”

   Xem như vậy thì chúng ta cũng dễ hiểu tại sao ông lại chọn “công việc tuyệt vời nhưng đầy gian nan và cay đắng…” (Konstantin G. Paustovsky) đó. Chúng ta dù có thương tiếc ông thì cũng vẫn nên mừng cho ông đã làm tròn “sứ mệnh” của một người cầm bút. Ông tự mang lấy nghiệp con tằm nhả tơ. Nhả hết tơ rồi thì nay ông thành… bướm./.

TRƯƠNG ANH THỤY

Ra mắt sách “Trên Ngọn Tình Sầu” của nhà thơ Du Tử Lê – Virginia 2011
Từ trái: Phan Anh Dũng, Tâm Hảo, Nguyễn Ngọc Bích, Trương Anh Thụy,
Du Tử Lê, Trần Bích San, Nguyễn Đức Thụy