VĨNH BIỆT THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG (1932-2022)

Xin Báo Tin Cho Quý Chiến Hữu Không Quân VNCH
& Quý Thân Chiến Hữu Ái Mộ Thi Sĩ CUNG TRẦM TƯỞNG

Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, tác giả “Một Hành Trình Thơ – 1948-2018”, đã từ biệt dương thế hôm nay, Chủ Nhật, ngày 9 tháng 10/2022 lúc 4:27 PM, giờ địa phương (tiểu bang Minnesota, USA)
Được biết, cách đây hơn tháng, Ông bị té sưng mặt mày, phải nhập viện. Hơn tuần qua, Ông phải mổ bàng quang. Ca mổ bình an. Nhưng sau đó, Ông bị viêm phế quản, phải mang ống thở. Sáng nay, rút ống, gia đình và bạn bè tiễn Thi Sĩ lên xe về…Trời
.

Lên xe tiễn Thi Sĩ đi xa
Trời mùa thu Minnesota, 
Chưa bao giờ buồn thế…

Có tin tức gì thêm, chúng tôi sẽ cập nhật.
Xin Kính Báo,

KQ Võ Ý

***********************************

************

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả ‘Mùa Thu Paris,’ qua đời ở tuổi 90
Khôi Nguyên/Người Việt

EAGAN, Minnesota (NV) – Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc như “Mùa Thu Paris,” “Chưa Bao Giờ Buồn Thế,”… vừa qua đời lúc 4 giờ 27 phút, chiều 9 Tháng Mười, tại bệnh viện United Hospital, thành phố Saint Paul, tiểu bang Minnesota.
“Bố tôi mất vì viêm phổi nặng và nhịp tim yếu quá!” Bà Hằng Cung, người con gái lớn trong bảy người con (bốn trai, ba gái) của nhà thơ, xác nhận với Nhật báo Người Việt.
Bà Hằng Cung nói thêm: “Chúng tôi rất buồn, rất sốc về sự ra đi của bố. Nhưng cũng rất tự hào về bố, về các bài thơ nổi tiếng của bố được bác Phạm Duy phổ nhạc quen thuộc mà nhiều người biết.”
Theo bà Hằng Cung, nhà thơ Cung Trầm Tưởng “tên thật là Cung Thức Cần, sinh ngày 28 Tháng Hai, 1932, tại Hà Nội, sau đó di cư vào Nam và sống tại Sài Gòn. Sau 1975 ông bị tù cộng sản, gia đình mất nhà và về sống với nhà bà nội tại đường Trần Hưng Đạo, Quận 1. Năm 1993 gia đình sang Mỹ theo diện HO, định cư tại thành phố Eagan, tiểu bang Minnesota, với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Cung Tiến.”
Còn theo một người bạn của nhà thơ, cựu Trung Tá Không Quân VNCH Võ Ý: “Cung Trầm Tưởng là trung tá Không Quân VNCH, trưởng Phòng Kế Hoạch, Bộ Tư Lệnh Không Quân cho đến 30 Tháng Tư, 1975. Sau đó ông đi tù Cộng Sản 10 năm và qua Mỹ năm 1993.”
“Tôi cũng ở tù Cộng Sản 13 năm, ra tù sau Cung Trầm Tưởng, nhưng ở cùng ông trong các trại tù như Long Giao, hay Hà Tây ngoài Bắc,” ông Võ Ý cho hay.
Theo trang Wikipedia, Cung Trầm Tưởng bắt đầu làm thơ năm 15 tuổi (1947) và có tập thơ đầu tay tên là “Sóng đầu dòng” (chưa in).“Năm 1949, ông rời Hà Nội vào Sài Gòn, học tiếp trung học tại trường Chasseloup Laubat (nay là Trung Học Lê Quý Đôn). Năm 1952, sau một năm học đại học, ông sang Pháp du học tại Trường Kỹ Sư Không Quân ở Salon-de-Provence. Năm 1957, ông tốt nghiệp trở về nước làm trong ngành không quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.”
“Trong năm này, hai bài thơ của ông là “Mùa Thu Paris” và “Vô Đề” (thơ trường thiên) xuất hiện trong tuyển tập Đất Đứng của nhóm Quan Điểm (gồm Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng), và đã làm người đọc chú ý.
Năm 1958, ông đứng ra chủ trương tờ Văn Nghệ Mới và cộng tác thường xuyên cho các tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Văn, Khởi Hành…”
“Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một số bài thơ của ông, đó là những bài “Mùa Thu Paris”, “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” (Phạm Duy gộp lại và lấy tên là “Tiễn Em”), “Bên Ni Bên Nớ”, “Khoác Kín” (Phạm Duy lấy tên “Chiều Đông”), “Kiếp Sau”, “Về đây”…. Tổng cộng trong 13 bài thơ trong tập Tình Ca của ông thì sáu bài Phạm Duy chọn phổ nhạc.”
Vẫn theo Wikipedia, “Năm 1962, ông sang Hoa Kỳ học về khí tượng, đậu Cao Học (Master) Khí tượng học tại Đại Học Saint Louis, Missouri. Sau đó, ông trở về Sài Gòn tiếp tục làm trong binh chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc cuối cùng là trung tá (1975).”
“Các tác phẩm của Cung Trầm Tưởng đã in: Tình Ca (Nhà xuất bản Công Đàn, Sài Gòn, 1959); Lục bát Cung Trầm Tưởng (Nhà xuất bản Con Đuông, Sài Gòn, 1970); Lời Viết Hai Tay (Nhà xuất bản Imn, Bonn, 1994; thơ tù cải tạo); Bài Ca Níu Quan Tài (tác giả tự xuất bản, Minnesota, Hoa Kỳ, 2001; thơ tù cải tạo); Một hành trình thơ (Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Falls Church, Virginia, Hoa Kỳ, 2012).”
Nhưng có lẽ, một trong những đoạn thơ của Cung Trầm Tưởng được người đời nhớ nhất là “Lên xe tiễn em đi/Chưa bao giờ buồn thế/Trời mùa đông Paris/Suốt đời làm chia ly…” trong bài “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

**************

Cung Trầm Tưởng – Mùa Thu 2021 – Minnesota, USA

MỘT SỐ BÀI THƠ CỦA CUNG TRẦM TƯỞNG:
https://www.thivien.net/Cung-Trầm-Tưởng/author-ke2uR9ouI9ZzRvgwJTVDbQ

***************

Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy, Ngy Cao Uyên

Xem toàn bộ tập Tình Ca:
https://issuu.com/vietnamthuvien/docs/tinh_ca_cungtramtuongphamduy_1959_w

Xem thêm về quá trình hợp tác Thi-Nhạc-Họa (bài của Văn Trang trong tạp chí Trẻ số 2, 1959)

Tập “Tình Ca” trong tay, tôi đến gặp thi sĩ Cung Trầm Tưởng đúng lúc anh đang sáng tác thơ. Anh ngửng đầu lên, vừa cười vừa nói hồn nhiên:
– À, lại nhà báo!
Tôi mạnh dạn đi thẳng vào vấn-đề:
– Trước khi viết một bài về “Tình Ca”, mong anh, Phạm Duy và Ngy Cao Uyên cho biết ý kiến về…
Tôi chưa kịp nói hết Cung Trầm Tưởng đã lanh lẹ cắt đứt:
– Có ngay!
Tôi tiếp tục:
– Tình Ca là tập đầu tiên ở Việt Nam, trong đó thơ, nhạc, họa đồng-hành với nhau. Anh nghĩ gì về sự hợp tác tay ba ấy?
– Hồi ở Paris, tôi đã có ý định thực hiện sự hợp tác tay ba này. Điều khó khăn đầu đầu là tìm được một hồn nhạc và một nét vẻ cảm, mến thơ mình.
– Anh đã tìm được hồn nhạc Phạm Duy và nét vẽ Ngy Cao Uyên?
– Phải, hai người bạn thân này. Ngoài là nhạc sĩ và họa sĩ, còn có một tâm hồn rất thi sĩ. Tôi chẳng cần biện minh hộ, anh cứ thưởng thức tác phẩm của họ là hiểu ngay. Ngoài ra, họ cũng từng sống những phút giờ như tôi, nghĩa là từng chờ đợi ở vườn Lục-Xâm, từng tiễn đưa ở một nhà ga Ba-Lê…
– Thế anh có để cho họ tự do khi phổ thơ hay họa thơ anh?
– Có chứ, hoàn toàn tự do. Tôi không hề ép buộc họ trong một công thức nào hết.
– Tôi hiểu rồi. Vì vậy Phạm Duy đôi khi chỉ giữ hồn thơ anh, còn tự do đổi lời cho hợp âm điệu.
Chúng tôi tạm ngừng để uống trà. Cung Trầm Tưởng chưa kịp đặt chén xuống thì tôi đã vội hỏi:
– Lúc nãy, anh chỉ mới nói đến điều khó khăn đầu tiên. Vậy còn điều khó khăn nào nữa?
– Điều khó khăn ở sau là phương diện kỹ thuật. Theo tôi, phổ thơ, họa thơ là một kỹ thuật khó khăn. Về kỹ thuật Phạm Duy, kỹ thuật Ngy Cao Uyên, tôi không hề đặt dấu hỏi. Anh nên gặp họ thì hơn.

Tôi đến gặp Phạm Duy đúng lúc anh vừa đọc xong một quyển khảo luận về nghệ thuật điện ảnh. Vẻ mặt anh còn đang thắc mắc về một điều gì xa xôi, thì tôi đã đi thẳng ngay vào vấn đề:
– Mong anh cho biết ý kiến về sự hợp tác của anh trong Tình Ca
– Hợp tác thì chưa đúng hẳn, đồng sáng tác thì hơn. Về phương diện thơ phổ nhạc, tôi bao giờ cũng quan niệm có cảm mến thơ thì mới phổ nhạc…
– Nghĩa là như anh Cung Trầm Tưởng đã nói với tôi.
– Phải. Cảm, mến thơ vì qua âm điệu, ý hồn, mình đọc được chính cảnh ngộ của mình. Tôi cảm, mến thơ Cung Trầm Tưởng bởi đã ghi lại cho tôi những kỷ niệm về Ba-Lê.
Lúc này, sau cặp mắt kính cận thị lờ mờ, mặt Phạm Duy lộ một vẻ buồn man mác. Tôi vừa nhìn tập Tình Ca vừa nói:
– Cảm, mến xong rồi, anh tính chuyện sáng tác ra sao?
Phạm Duy trả lời nhanh nhẹn:
– Phổ nhạc cho thơ là cả một kỹ thuật khó khăn. Tôi chỉ tóm tắt những điểm chính: Thoạt đầu tìm một thể nhạc, thích hợp và bài thơ rồi chia bài thơ thành từng đoạn. Phân tích âm điệu, tìm tòi nét nhạc; sau cùng ghép lại, sửa đổi cho sáng tác tròn trặn, nhạc và thơ song hành cùng nhau.
– Anh có thể cho biết một vài ví dụ trong “Tình Ca” được không?
– Chẳng hạn trong “Mùa thu Paris”, tôi cố tâm dùng thể Musette để gợi lại không khí các buổi khiêu vũ chủ nhật của sinh viên Paris. Trong “Chiều Đông” tôi lại chuyển sang thể Blue nhịp hai để diễn tả cảnh tầu đi xuống tỉnh, ga ở lại với băng nguồn tuyết núi. Theo tôi, như vậy thích hợp hơn…

Tôi phải xuống tận Biên Hòa mới gặp được họa sĩ Nguyễn Cao Uyên. Ở đó, tôi được dẫn đi xem xưởng họa của anh, lập trong một biệt thự xinh xắn.
Sau một hồi bàn luận về hội họa, chúng tôi đã chuyển sang chuyện hợp tác trong Tình Ca. Nguyễn Cao Uyên cũng như Phạm Duy đã cảm, mến thơ Cung Trầm Tưởng trước khi vẽ. Anh nói như sau:
– Trong Tình Ca, tôi diễn tả thơ bằng một nét vẽ rất tượng trưng. Theo tôi, như thế thì mới có vẻ “thơ”
– Anh có thể dẫn chứng bằng một ví dụ không!
– Chẳng hạn trong “Mùa thu Paris” tôi chỉ diễn tả cảnh mùa đông vườn Lục-Xâm-Bảo bằng một pho tượng trơ trọi và dăm cành cây xơ xác, còn cảnh “ngóng em kiên khổ phút giờ” hay “không em buốt giá từ tâm”, theo tôi vẻ mặt ưu tư của một sinh viên ngồi chờ ghế đá là đủ diễn tả.
– Có người cho các trình bày bìa “Tình Ca” của anh hơi “siêu tả chân”. Có đúng vậy không?
– Sao lại “siêu tả chân”! Tôi chỉ muốn tượng trưng Tình Ca bằng một trái tim thơ, thơ nhạc họa bằng một người đàn bà và một cái bút lông. Có thế thôi!

XEM TOÀN BÀI VIẾT: https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/cao-thom-lan-gio/ve-tap-thi-nhac-hoa-tinh-ca/

chưa bao giờ buồn thế

lên xe tiễn em đi
chưa bao giờ buồn thế
trời mùa đông Paris
suốt đời làm chia ly

Tiễn em về xứ mẹ
anh nói bằng tiếng hôn
không còn gì lâu hơn
một trăm ngày xa cách

Ga Lyon đèn vàng
tuyết rơi buồn mênh mang
cầm tay em muốn khóc
nói chi cũng muộn màng

Hôn nhau phút này rồi
chia tay nhau tức khắc
khóc đi em, khóc đi em
hỡi người yêu xóm học
để sương thấm bờ đêm
đường anh đi tràn ngập lệ buồn em…

Ôi đêm nay
chưa bao giờ buồn thế
trời mùa đông Paris
suốt đời làm chia ly

Tàu em đi tuyết phủ
toa anh lạnh gió đầy
làm sao anh không rét
cho ấm mộng đêm nay
và mơ ngon trên khắp nẻo đường rầy!

Trời em mơ có sao
mình anh đêm ở lại
trời mùa đông Paris
không bao giờ có sao
trời mùa đông Paris
chưa bao giờ buồn thế!


Bài thơ này “Chưa bao giờ buồn thế” đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát Tiễn em.

Sĩ Phú hát – https://www.youtube.com/watch?v=O9SMIABSUys

=============

Mùa thu Paris

Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly

Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm

Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu

Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì

Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời

Mùa thu! mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em tâm tưởng, giam tù

Mùa thu!… Trời ơi! Tình thu!


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Vũ Khanh hát – https://www.youtube.com/watch?v=Bwva6VhzJcE

*********

NÓI CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ CUNG TRẦM TƯỞNG – Thụy Khuê RFI, 10/1999

Thụy Khuê: Trở lại thời kỳ anh về nước, anh và các bạn anh đã có những đóng góp trong việc làm mới lại thi ca Việt Nam. Bây giờ, nhìn lại thời kỳ ấy, anh thấy những gì anh đã làm được, và những gì anh chưa làm được?
Cung Trầm Tưởng: Bây giờ xét lại tôi cũng có một đóng góp khiêm tốn, tích cực về việc làm mới thơ Việt Nam như Thụy Khuê vừa nói. Đối với tôi, thơ là căn bản của ngôn ngữ, cũng như căn bản của cuộc sống là hơi thở, oxy, khí trời. Tôi còn nhớ trong một buổi thảo luận tại tòa soạn Sáng Tạo khoảng năm 1960, anh Thanh Tâm Tuyền hỏi tôi sao bây giờ ông vẫn còn làm thơ lục bát. Tôi không muốn lý luận, tôi bảo rằng: Tôi thấy thơ lục bát vẫn chưa hoàn tất, tôi muốn tiếp tục con đường ấy. Bây giờ nghĩ lại, sau những lục bát của Nguyễn Du, Huy Cận, Bùi Giáng v.v… tôi cũng có một đóng góp thật khiêm tốn. Và chưa xong. Chưa xong. Nhưng ô hỡi, thi ca còn mắc nợ lịch sử. Tôi có bổn phận phải trả món nợ lịch sử đó. Vì thế năm 75, tôi quyết định ở lại! Tôi muốn ở lại. Đó là một quyết định với tất cả những hệ lụy của nó. Tôi nghĩ rằng nếu không có những năm tạm gọi là gian truân, thống khổ… thì ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng chưa tới độ mà hôm nay tương đối tôi đã có thể thỏa hiệp với mình, mình đã đạt tới một mốc điểm nào đó. Tôi sợ rằng nếu không có sự hội nhập, dấn thân nhầy nhụa vào lịch sử để thăng hoa lên thì có thể nói rằng tôi đã tới ngõ cụt của thi ca. Tôi vẫn thắc mắc ở một điểm: Thi ca là gì? Đối với tôi, Thi ca là một ngữ sự. Không giải quyết được ngữ sự đó thì xé tất cả đi.

ĐỌC TOÀN BỘ CUỘC PHỎNG VẤN: thuykhue.free.fr/stt/c/nc-ctt.html

***********

GIÃ BIỆT THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG- THƠ TÌNH THƠ TÙ ĐẸP THẤM
Trần Chí Phúc

Chiều chủ nhật 9 tháng 10 năm 2022, tại tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng vẫy tay giã từ giới yêu thơ ông sau 90 năm rong chơi cõi đời ( 1932- 2022 ); để lại những câu thơ đặc biệt trong vườn thơ Việt Nam. Tên thật của ông Cung Thúc Cần, họ Cung là họ hiếm thấy ở quê hương và bút hiệu là Cung Trầm Tưởng nghe hay hay.

Danh tiếng ông vang xa khi 2 bài hát Tiễn Em và Mùa Thu Paris do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Cung Trầm Tưởng do một số ca sĩ hát đầu thập niên 1960 được giới yêu thơ nhạc Miền Nam thời đó yêu thích. Năm 1952, lúc đó 20 tuổi, thanh niên họ Cung du học nước Pháp ở Paris và có tình với người con gái bản xứ. Những cảm xúc thời sinh viên đó trải vào bài thơ Mùa Thu Paris và Chưa Bao Giờ Buồn Thế ( Phạm Duy đổi thành Tiễn Em khi phổ nhạc ).

Cũng là thơ tình chia ly nhưng bối cảnh là kinh đô hoa lệ Paris và người yêu là cô gái Pháp tóc vàng mắt nâu là nét mới mẻ trong dòng thi ca của Sài Gòn đầu thập niên 1960. Cho nên khi 2 nhạc phẩm này xuất hiện được nhiều người yêu thích, nhờ tài phổ nhạc của Phạm Duy và những ca sĩ nổi tiếng thời đó trình diễn. Thử nghe và đọc lại mấy vần thơ “ Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Paris suốt đời làm chia ly”; “ Mùa thu Paris, trời buốt ra đi, hẹn em quán nhỏ, rưng rưng rượu đỏ tràn ly… Mùa thu nơi đâu, người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ, mong em chín đỏ trái sầu.”

Mùa thu lá vàng Paris đẹp, mùa đông tuyết phủ ga tàu Lyon ở ngoại quốc nhưng qua dòng thơ Cung Trầm Tưởng, câu nhạc Phạm Duy và những tiếng hát ngọt ngào thủ đô Sài Gòn thì trở thành bài hát rất tình tự, gần gũi với người nghe ở quê nhà. Sau gần 70 năm, 2 ca khúc này vẫn còn rung động thính giả.

Nhạc sĩ Phạm Duy không phổ nguyên bài thơ, ông sửa đổi, cắt xén và đôi lúc đặt thêm ca từ cho thích hợp với câu nhạc của bài hát. Bài hát phổ thơ phải có giai điệu, phải có câu nhạc ( melody ) để dễ nhớ dễ hát. Nó khác với Hát Thơ mà thời hiện đại có người khi làm công việc phổ thơ, đã gắn những nốt nhạc vào từng chữ thơ một cách phi nghệ thuật, khiến bài hát trở nên khô cứng, giai điệu kém quyến rũ và tầm thường hóa công việc phổ nhạc từ thơ.

Nhắc tới bài hát Tiễn Em thì cách đây nhiều năm, người viết hỏi nhạc sĩ Phạm Duy rằng trong nhạc phẩm Tiễn Em có câu “Nơi em có trăng soi, anh một mình ở lại…”  nếu hát câu nhạc giống như “ Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế..” thì chữ “ lại “ trở thành chữ “ lái”. Cho nên nhiều ca sĩ đã phải sửa chữ “ ở lại” thành “thương nhớ”, “rét giá”. Và Phạm Duy trả lời rằng, đúng ra chữ “ lại” thay vì hát nốt Đố thì phải luyến láy gồm 3 nốt Mi Sol Đố, diễn tả giống như tiếng nấc nghẹn ngào của chàng trai tiễn biệt người yêu.

Vì 2 bài hát phổ thơ Cung Trầm Tưởng là Tiễn Em và Mùa Thu Paris quá nổi tiếng cho nên nhiều người không chú ý đến những bài thơ lục bát đặc sắc của ông trong tập thơ Tình Ca xuất bản năm 1959 như Kiếp Sau : “ Bù em một thoáng trời gần. Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi. Bù em góp núi chung đồi. Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ….Non sông bóng mẹ sầu u. Mòn trông ngưỡng cửa chiều lu mái sầu.” Chữ “ ”, “sầu u”, “chiều lu” nghe lạ mà hay.

Sau khi Sài Gòn thất thủ tháng 4 năm 1975, thi sĩ Cung Trầm Tưởng bị tù Cộng sản 10 năm và năm 1993 ông mới đến được Hoa Kỳ. Trong thời gian ở tù, không có giấy bút nhưng ông làm nhiều bài thơ, đọc cho bạn tù nghe và nhờ họ ghi nhớ trong đầu để mai này ra tù mà phổ biến cho đời.

Hai tập thơ Níu Lấy Quan Tài và Lời Viết Hai Tay được coi là Tù Sử Thi, ghi lại một quãng đời gian khổ ngục tù của ông ở Hoàng Liên Sơn năm 1977. Mời đọc mấy dòng thơ trong bài Vạn Vạn Lý: “ Chấn song đan u ám. Sần sùi nhớp nhúa đen. Ran ran nhạc dế mèn. Nhởn nhơ cười chẫu chuộc… Vỗ vỗ rơi tàn thuốc. Phà khói vào hơi sương. Xa xưa trống lên đường. Tiếng quân hô hào sảng…Mưa về gióng lê thê. Nai kêu nguồn đâu đó. Xưa nay tù ngục đỏ. Mấy ai đã trở về?”

Hoặc mấy dòng lục bát “ Áo tù thẫm máu đôi vai. Hai chân chém nứa vành tai gió lùa. Ngó tay bỗng thấy già nua. Cứa em thân xác mấy mùa thu qua. Môi cằn má hóp thịt da. Ngô vơi miệng chén canh pha nước bùn. Đêm nằm rỗng ruột vai run. Đầu kề tiếng súng chân đùn bóng đêm…”

Từ một chàng thanh niên đến nước Pháp du học văn minh Tây phương, làm thơ tình yêu nồng nàn; rồi trở về nước làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, rồi sau 30 tháng 4 năm 1975, vận nước đổi thay, thi sĩ Cung Trầm Tưởng tiếp tục làm thơ trong ngục tù Cộng Sản.

Dòng thơ ông sau này đổi khác như ông đã từng nói rằng cám ơn lịch sử đã giăng cái bẫy bắt ông mười năm ở tù để thơ ông mở ra, có hệ lụy và có trách nhiệm; rằng khi dân tộc rướm máu thì thi sĩ phải đổ máu, phải đảm nhận sự đau khổ của dân tộc, tạo ra ngôn ngữ- ngôn ngữ của đau khổ…

Những dòng thơ tù của Cung Trầm Tưởng là nét rất riêng như cuộc đời thăng trầm của ông, tả nỗi đau của dân tộc trong một quãng lịch sử trầm luân, nỗi đau của những gia đình ly tán vì thời thế đổi thay trong đó có gia đình ông. Dòng thơ tình và dòng thơ tù và tạo nên một hành trình thơ 60 năm, đẹp, thấm, của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, nét chất ngất tình yêu cùng nét đớn đau lịch sử.

Giã biệt thi sĩ Cung Trầm Tưởng, 90 năm cõi nhân sinh cũng đủ cho ông suy gẫm vận nước. Mỗi người chúng ta sống trong một khoảng năm tháng ngắn so với dòng sinh mệnh của dân tộc. Vườn thi ca Việt Nam có đóa hoa đẹp mang tên ông. Giã biệt ông, xin hát câu “ Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế ”!

Trần Chí Phúc

*********

Từ trái: Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Tiến

Một Hành Trình Thơ 1948-2008 của Cung Trầm Tưởng
Tuyết Mai – 31/10/2012 Virginia

Trong hơi sương của một chiều Thu ảm đạm, hơn ba trăm đồng hương yêu thơ đã đến dự bữa ăn trưa và hàn huyên với Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, nhân dịp phát hành thi tập “Một Hành Trình Thơ 1948-2008” của ông, vào lúc 11 giờ trưa ngày 28 tháng 10, 2012 tại Nhà hàng Harvest Moon, Falls Church, Virginia.

Trong số hơn ba trăm quan khách này có một số chiến hữu Không Quân và đàn em của Thi sĩ trong QLVNCH. Ngoài ra cũng có sự tham dự của rất nhiều văn nhân thi sĩ và các hội đoàn trong vùng Hoa Thịnh Đốn. Đây là một chương trình văn thơ thật đặc biệt, được tổ chức rất quy mô bởi Ban tổ chức gồm Thi sĩ Hoàng Song Liêm, Luật sư Phạm Đức Tiến, Nhà văn Lê Thị Nhị. Sân khấu được điều hành và trang trí đẹp độc đáo bởi Hoàng Dung, Bùi Dương Liêm; MC Nam Anh giới thiệu; Luật sư Phạm Đức Tiến điều hợp. Chương trình rất sống động, lôi cuốn khán giả theo dõi một cách thích thú từ đầu đến cuối.

Trong phần mở đầu, Nhà thơ Hoàng Song Liêm giới thiệu mối thâm giao giữa ông và Thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Cung Trầm Tưởng sinh năm 1932, ở Hà Đông, thuộc Hà Nội. Cả hai Hoàng Song Liêm và Cung Trầm Tưởng đều bắt đầu có thơ đăng trên các báo Hà Nội ở tuổi 16. Cả hai thuộc thời kỳ văn học 1948-1954, thế hệ nối tiếp giữa văn thơ tiền chiến và văn học Miền Nam.
Ở Hà Nội, Cung Trầm Tưởng học ở Trung Học Pháp Albert Sarraut, vào Nam ông học ở Chasseloup Laubat và gia nhập Không quân QLVNCH. Ông tốt nghiệp kỹ sư Không Lưu Khí Tuợng ở Trường Võ Bị Không quân Pháp Salon de Provence. Sau đó ông qua Mỹ, tốt nghiệp ở Đại học St. Louis, Missouri. Ông Hoàng Song Liêm du học ở Mỹ, ngành Kỹ thuật bảo trì phi cơ. Cả hai trở thành đôi bạn thân vì đã biết tiếng nhau từ trước và sau này cùng trong Không Quân,:Cung Trầm Tưởng là Trưởng Phòng Nghiên Cứu Kế Hoạch, Hoàng Song Liêm là Truởng Phòng Tâm Lý Chiến.

Năm 1959, Cung Trầm Tưởng ra mắt tập “Tình Ca” do Phạm Duy phổ nhạc các bài thơ tình nổi tiếng như “Tiễn Em”, Mùa Đông Paris”, “Bên Ni Bên Nớ”… Năm 1975, Cung Trầm Tưởng bị tù CS mười năm thêm ba năm quản chế. Ông qua Mỹ năm 1993, định cư ở Minnesota.

Chương trình đựơc nối tiếp với phần trình diễn thơ của Cung Trầm Tưởng do Phạm Duy phổ nhạc. Sĩ Tuấn trong nhạc phẩm “Tiễn Em”, Tuyết Lan trong “Kiếp Sau”, Nguyễn Xuân Thưởng ngâm thơ “Vô vàn”, Bạch Cúc “Bên Ni, Bên Nớ”.

Diễn giả Trần văn Thế, một cựu sĩ quan trong QLVNCH giới thiệu thơ của Thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Ông Thế nói, đằng sau trái tim nồng ấm, dáng dấp hào hoa, phong cách đa tình, Cung Trầm Tưởng là một chiến sĩ kiên cường qua “Dòng Sử Thi Trong Đời Tù Cộng Sản”. Theo Diễn giả Trần văn Thế, Cung Trầm Tưởng là môt khuôn mặt, một nhà thơ nổi tiếng trong thế giới thơ của Việt Nam, nhất là trong thập niên 60, với những giòng thơ lãng mạn. Nhắc đến Cung Trầm Tuởng thời đó, mọi người đều biết nhà thơ với “Mùa Thu Paris, Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, Ga Lyon đèn vàng…”Hôm nay, Ông Thế giới thiệu với khán thính giả, những dòng thư Tù, những dòng Sử-thi viết trong tù của một người lính, một người tù. Đó là Thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Ông đã bị tù mười năm, qua tám trại tù và không biết bao nhiêu lần bị còng tay biệt giam vì ông như một con thú bị vây hãm bởi lũ thợ săn hung ác: “Ta như con thú bị vây Khổ sai trong cũi chúng bầy chúng chơi

Dòng lịch sử của dân tộc đã đưa ông đến những trại tù để nghe chính trái tim mình muốn nổ tung ra vì căm thù, uất hận. Trước những đe dọa, trứoc sự chết chóc, Cung Trầm Tưỏng đã kiên trì, can đảm và đã làm một cái gì cho lịch sử trong giai đoạn bi thương nhất của dân tộc. CS tìm mọi cách để cấm ông viết, nhưng ông đã quyết tâm cho ra đời hai tập thơ TÙ: “Lời Viết Hai Tay” và “Bài ca Níu Quan Tài”.
“Giấy bút tôi ai cướp giật đi Tôi sẽ dùng dao khắc thơ lên đá” (Phùng Quán)

Là một thi sĩ, nàng Thơ là mạch sống, là tim, là máu, đã thôi thúc ông phải viết. Thêm vào đó ý chí bất khuất, đã thôi thúc ông phải làm thơ. Vì hai tay đã bị còng, Ông phải viết bằng tim, bằng óc, nói lên nhiều nỗi băn khoăn, tự vấn với một tâm trạng chao động, phẫn nộ, căm hờn, khắc khoải, thao thức… Ông đã phấn đấu để hoàn thành sứ mạng lịch sử của một người tù, một người thơ:
“Ta cất cho ta ta một pháo đài Giăng vòng gai kẽm, lập vành đai Sáng nghe, chiều ngóng, đêm phòng ngự Dõi tiếng chân ai rảo lén ngoài”.
“Ngữ điệu ngân nga vần réo rắt Nàng Thơ gióng trống giục ran lòng Đau thương mồi bén lên tư tưởng Thép đã tôi rồi, đố bẻ cong”.

Trong tập thơ “Bài Ca Níu Quan Tài”, Cung Tầm Tuởng viết “Cách trừng phạt của CS là một thứ bạo lực nguội, vì không có khói, không có lửa. Một thứ lăng trì tân thời, có kế hoạch và làm chảy máu trắng, hữu hiệu hơn một phát súng tại pháp trường. Ông đã dùng cái tâm để viết lên Tâm Sử Thi, hay Tù Sử Thi. Đây là một loại thơ viết để khóc cho dân tộc Việt Nam trầm luân, oan khiên, khóc cho gia đình ly tán, những bà mẹ già, những ngừơi vợ, những đứa con thơ, những ngừơi tù, những ngưòi nữ tù khốn cùng mà Cung Trầm Tưỏng gọi là “Những Nữ Thần Huyền Sử” “Có chồng mà tưởng như chồng chết Hương nhang đã cháy ở trong lòng Em là dòng dõi nàng Tô Thị Nghìn năm hóa đá vẫn chờ mong”.

Diễn giả Trần văn Thế kết luận, “Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ” gồm bảy tập thơ gom lại, trong quá trình 60 năm làm thơ, từ những ngày son trẻ với thơ tình lãng mạn rồi đến thơ làm trong thời kỳ oan khiên của dân tộc, và thơ làm ở hải ngoại, người đọc cũng như ông sẽ chú ý nhiều đến hai tuyển tập Tù Sử Thi “Lời Viết Hai Tay” và “ Bài Ca Níu Quan Tài”.

Biểu tượng của thơ Cung Trầm Tưởng là biểu tượng lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn đau thương nhất, nỗi oan khiên không bao giờ xóa nhòa trong tâm khảm của những ngừơi Việt Nam. Chiến sĩ văn hóa Cung Trầm Tưởng đã hy sinh gần suốt cuộc đời mình để viết lên những dòng sử-thi, đã để lại cho chúng ta và thế hệ hậu sinh những chứng tích hùng hồn nhất về lịch sử Việt Nam trong giai đoạn khổ cùng nhất. Một Bản Cáo Trạng mạnh mẽ nhất, trung thực nhất về chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Chương trình đựơc tiếp nối với phần trình diễn những bản nhạc do Phạm Duy, Phạm Mỹ Lộc, Bùi K. Cương phổ thơ Cung Trầm Tưởng. Các bản: Mùa Thu Paris do Thái Ninh trình diễn, Chiều Đông với Nguyễn Cao Thăng, Hoàng Bạch Mai Ngâm Thơ “Lũng Kín”, Hoàng Cung Fa hát “Ta Còn Yêu Ta”, Tam ca Hoàng Cung Fa, Nguyễn Xuân Thuởng, Nguyễn Cao Thăng trong bài “Vạn Vạn Lý”.

Tiếp theo sau, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng hội thoại với những ngừơi yêu thơ ông. Chương trình đựơc chấm dứt lúc 3 giờ chiều.

https://www.youtube.com/watch?v=BcpL4I9eN6o
PHÓNG SỰ BUỔI RA MẮT SÁCH TẬP THƠ – Thy Nga và Đậu Thanh Vân SBTNDC thực hiện

*****************

Kính mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng do Bùi Dương Liêm thực hiện, nhân dịp Thi Sĩ đến Hoa Thịnh Đốn để giới thiệu thi phẩm ” Cung Trầm Tưởng – Hành Trình Thơ 1948 – 2008 ” vào ngày 28/10/2012.

https://www.youtube.com/watch?v=3qH0pNBN7qU

****************************

Đọc “Một Hành Trình Thơ” Của Cung Trầm Tưởng – Trịnh Bình An

Khoảng năm 1959, tạp chí Sáng Tạo (Sài Gòn) cho ra đời một ấn phẩm có tên “Tình Ca”. Đó là một tuyển tập thi-nhạc-họa với 13 bài thơ của Cung Trầm Tưởng, trong đó 6 bài được Phạm Duy soạn thành ca khúc. Bìa và phụ bản của Ngy Cao Uyên. “Tình Ca” ngay lập tức được giới thưởng ngoạn hào hứng đón nhận. Những vần thơ tình tứ của mối tình gái Pháp-trai Việt như thổi một luồng gió mới vào tâm hồn bạn đọc. Người ta được nhìn, được cảm, ngay cả được thở, cả một vùng trời lãng mạn Paris với công viên Luxembourg lá rụng, với ga Lyon đèn vàng, với những quán rượu ly đỏ rưng rưng; giữa khung cảnh thơ mộng ấy là người tình tóc vàng sợi nhỏ… Cái tên Cung Trầm Tưởng nhanh chóng tràn vào giới thanh niên trí thức thời bấy giờ cùng không khí lãng mạn của phong trào thơ mới.

Một mối tình! Bắt đầu của “Một Hành Trình Thơ” là như thế. Một bắt đầu thật lãng mạn, thật tình tứ, thật… thơ. Nhưng cuộc đời không như là mơ, cuộc đời có lúc thành cuộc đi đày, và người thơ có lúc thành người tù. Tháng Tư 1975, dù là một Trung Tá Không Quân có thể dễ dàng ra đi ngay từ đầu nhưng Cung Trầm Tưởng đã chấp nhận ở lại, chịu 10 năm tù cải tạo. “Hành Trình Thơ” từ đó rẽ sang một bước ngoặt khác.
Trong tù, Cung Trầm Tưởng không ngừng làm thơ. Tuy không có giấy, không có bút để ghi lại nhưng thơ của ông được những người bạn tù thay nhau học thuộc lòng. Tập thơ “Lời Viết Hai Tay” ra đời trong tù, lưu giữ được là nhờ “bộ nhớ tập thể” thân tình ấy. Với ông, những năm tháng ngục tù chỉ tiếp thêm sức sống cho thơ: “Thơ tù đối với tôi là một quá độ cần thiết phải có, không có cái đó thì không tiếp tục nổi. Bởi sau cuộc rong chơi của tình yêu lứa đôi, chủ nghĩa hiện sinh… mình thấy đó vẫn chỉ là những cuộc rong chơi. Nhưng nếu dân tộc bị rớm máu, người thi sĩ phải bị đổ máu.” (*)

“Một Hành Trình Thơ” gồm 7 thi tập: Sóng Đầu Dòng–Tình Ca và Quá Độ, Lời Viết Hai Tay, Bài Ca Níu Quan Tài, Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định, Thi Bá-Con Tắc Kè và Bà Góa Phụ, Mỗi Dặm Đường Một Nghìn Vần Thơ, và, Vi>Sáng Ký Về Người Tình Đầu. “Một Hành Trình Thơ” còn tuyển đăng những bài khảo luận về thơ của Cung Trầm Tưởng như: Một Bản Thể Luận Bồng Bềnh Về Thơ, Ainsi Parlait Le Poète, Vì Sao Nhiều Người Việt Lưu Vong Thường Hay Làm Thơ? v.v.

Đến với “Một Hành Trình Thơ” ta sẽ tìm được gì?

Thứ nhất, cái đẹp của tiếng Việt.
Mọi người hẳn đều đồng ý rằng tiếng Việt rất giàu có về âm thanh và hình ảnh (mà ta thường gọi là tượng thanh, tượng hình). Ta cũng thấy đặc tính ấy được nhiều người biết áp dụng vào thơ, văn họ viết; nhưng ta vẫn sẽ bất ngờ với cách Cung Trầm Tưởng dùng tiếng Việt. Đọc Cung Trầm Tưởng (CTT) là luôn luôn ngỡ ngàng với tiếng Việt, những chữ tầm thường nhất bỗng trở thành tuyệt nhất.
Trâu phì phò, vịt quác ao tanh;
Lõm bõm ì òm lũ trẻ ranh.
Trăm mái nhà đùm một phận ẩm,
Thêm trăm tủi cực cũng cam đành.

(Thi Bá Bỏ Ẩn, Trở Về Phố Thị Gặp Tên Ma Thuật – Cung Trầm Tưởng)

Ở đây, ta gặp lại bút pháp tả cảnh sinh động của Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Ta sẽ ngậm ngùi trước cảnh sống cùng quẫn trong bài thơ, nhưng ta vẫn sẽ có một cảm giác khoan khoái, đó là khoái cảm về cái đẹp khi thấy chữ “ẩm”được dùng hay quá, hay cả về hình lẫn về thanh. Về hình, “ẩm” gợi lên cảm giác buồn bã, u ám như trong “ẩm thấp” “ẩm ương”; “ẩm” đi sau “ao tanh” vẽ lên một cảnh tượng hôi hám, lạnh lẽo, dính dớp của làng xóm nghèo. Về thanh, “ẩm” tạo nên một tiếng buông tõm, như có vật gì đó rơi và chìm ngay xuống, nó lột tả cái số phận đen tối của những cảnh đời không lối thoát.
Thơ Cung Trầm Tưởng cho thấy tiếng Việt quả rất phong phú về khả năng mô tả sự vật. Một số câu thơ dùng chữ rất thường nhưng có sức gợi hình độc đáo là: “Âm u lấm vẩn hồn”, “Cực chưa chấm dòng”, “Hận thù vắt nhợt mặt gà mái”, “Chân vẫn bước, nhưng lòng đang bò sát”, “Hắn đi trong thế giới mốc meo vàng”, “Hè ngời loáng như dao”, “Ngủ lung liêng đốm lửa phà”, “Một chiếc hôn ngây bẽn lẽn la đà”, “Đã ghì bấu bóng hụt hơi”, “Chân dung một mối thương sầu bồng mang”, “Oái oăm mấy cũng thưa ừ – Éo le lắm cũng không từ éo le”, v.v.

Thứ hai, đọc thơ Cung Trầm Tưởng để thấy cái chí bất khuất.
Như đã nói ở trên, nếu không có những người bạn tù che chở thì Cung Trầm Tưởng không tài nào giữ được những bài thơ ông làm trong tù. Nói cách khác, Cung Trầm Tưởng không làm thơ cho riêng mình, ông làm thơ cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa dũng cảm, những con người thân hàng chứ chí không hàng.
Nhờ sao Kháng nhắn sao Khuê
Hỏi thiên cơ lối ngược về sao Tiêu.
Ngược về tít tận phiêu diêu,
Lỡ hư vô có thì liều hư vô.
Được thì hốt hết thiên thu,
Thua làm mây vấn rối bù đầu non.

(Lác Đác Những Giọt Sương Đêm – Cung Trầm Tưởng)

Khí thơ cuồn cuộn như một Cao Bá Quát ngang tàng. Những chữ thô ráp, bình dân như “liều”, “lỡ”, “được”, “hốt hết”, “thua”, được cài đặt với những chữ trừu tượng, bóng bẩy như “hư vô”, “thiên thu”, “đầu non” để diễn tả cái chí khí tự do phóng đạt dù thân thể đang chịu cảnh gông cùm.

Thứ ba, cái sức sống mãnh liệt.
Hãy ưỡn ngực hít sâu vào khí sớm,
Chẳng thuộc riêng ai trời đẹp của muôn lòng.
Mùa xuân đến đều chia cho muôn khắp,
Kẽm gai nào rào chắn được trời trong!

(Tặng Phẩm Mùa Xuân – Cung Trầm Tưởng)

Có vắng ta đi xe vẫn hốt
Lá đêm qua rụng lối còn nồng,
Người vẫn còn nhau cho ngày mới
Như cầu cũ vẫn dẫn qua sông.

(Có Vắng Ta Đi … – Cung Trầm Tưởng)

Thứ tư, thơ Cung Trầm Tưởng trước sau vẫn là đời thường và… tình yêu .
Thơm tho nền nã tủy xương pha
Thống ái cuồng dâm nọc nõn nà,
Một rớt rầu phiền nhờn chán ngán,
Nồng dòng tu kín, tanh bê tha.

(Lễ Đen – Cung Trầm Tưởng)

Anh ôm em ẩm mình dây;
Gió lay lóc phố, mưa lầy lội tim.
Tóc rong rêu chảy vai mềm,
Lời xô lũ luýnh quýnh chìm môi mê.

(Tình Đắm – Cung Trầm Tưởng)

Thứ năm, lý luận phê bình thơ.
Trong “Một Hành Trình Thơ”, bên cạnh những bài thơ, những trường thi, còn là một số khảo luận về thơ. Nếu nói thơ là thịt da thì văn là bộ xương. Một bộ xương thẳng thớm tạo nơi bám vững chãi cho da thịt, từ đó mới có thân thể xinh đẹp; không thể có người đẹp nhưng lưng lại khòm hay mỹ nhân mà hông bị lệch.
Với khả năng lý luận mang tính khoa học của một chuyên viên khí tượng và quản trị an ninh, Cung Trầm Tưởng mổ xẻ thơ, ông không coi thơ là thứ “bất khả phân tích”, ông tìm hiểu bản thể thơ như một “phạm trù tinh thần”. Nhận định dưới đây của Cung Trầm Tưởng hẳn sẽ hữu ích cho nhiều người, người làm thơ, người đọc thơ, và cả người phê bình thơ:

Muốn được nhận vào hội quán của nền Văn Hóa Thứ Ba, thơ bắt buộc phải đổi mới cả về ngôn ngữ lẫn thế giới quan và cung cách thẩm mỹ của nó. Điểm tế nhị là làm sao đừng để ham muốn đổi mới và phô trương kiến thức làm nhòe tính trong sáng cần có của cảm hứng khi làm thơ. Một bài thơ hay giống như một ly rượu đầy, hiểu như sự khai triển của nó đã đạt tới mức lý tưởng, ở đó có một cân bằng tối ưu giữa ngôn ngữ và tư tưởng. Chỉ một chút phụ gia tư tưởng thôi, thường do ham muốn phô trương kiến thức gây ra, sẽ làm cho bài thơ lộ vẻ cố dụng, ý nặng hơn lời, và như vậy không chỉ phá vỡ tính nhất thể phải có của ngôn ngữ tư duy và tư tưởng hành ngôn mà còn phá vỡ chính cái trạng thái viên mãn vốn là tư chất của bất cứ bài thơ hay nào.
(Cái Vốn Phải Là Như Thế – Cung Trầm Tưởng)

Cung Trầm Tưởng cũng nhắc tới vấn đề “thơ phổ nhạc”. Dù một số bài thơ của ông được nhiều người biết đến một phần cũng nhờ Phạm Duy phổ nhạc nhưng Cung Trầm Tưởng vẫn cho rằng “cái giá mà thơ phổ nhạc thường phải trả là nó bị đẩy vào hậu trường hoặc bị xuống cấp thành một người phụ diễn mờ nhạt cho âm nhạc” (trích đoạn bài phỏng vấn của VietHome Magazine).
Liệu những người thường tự hào “yêu thơ” có tách được mình ra khỏi cái bẫy “thơ phổ nhạc” không? Thời buổi này người yêu thơ đàng hoàng đã khó thì người làm thơ chân chính càng khó hơn, nhưng chúng ta có thể vui mừng vì nền thơ ca Việt Nam đã có được một người thơ chân chính, Cung Trầm Tưởng.

Xin vô phép, ghép vài đoạn thơ lục bát của ông để làm chơi một màn “lảy Cung Trầm Tưởng”.
Vật vờ lạc cõi nhân sinh,
Bài thơ cô phận làm kinh gọi hồn (For Rent)

Phăng phăng nước chảy đá mòn,
Một thời dài vắn, mất còn sát nhau. (Bài Ca Níu Quan Tài)

Nhìn, nghe, nghĩ, nhớ đào sâu;
Bóc tang thương nổi, moi giàu cổ kim. (Bài Học Phát Âm Vỡ Lòng)

Đu đưa võng mép thềm huyền,
Buông luôn bất túc triền miên ngôn từ. (Ngẫu Hứng Hồ Sao)

“Thơ ca là một rong chơi lãng mạn mà thâm trọng”. Cung Trầm Tưởng đã gắn thơ mình liền với số phận nổi trôi của đất nước, và ông – người thơ, nhờ đó cũng có dịp xuyên suốt một hành trình. 60 năm thơ Cung Trầm Tưởng phải chăng cũng là 60 năm sống, làm người-Việt-Nam?

Trịnh Bình An
Bài đã đăng trên trang nhà DCVOnline
(*) . Nói chuyện với nhà thơ Cung Trầm Tưởng. Thụy Khuê, RFI, 10/1999. (bấm vào để xem)
– Sưu tập về tạp chí Sáng Tạo. Blog Trần Hoài Thư.
Cung Trầm Tưởng – Một Hành Trình Thơ. Bắc Đẩu Võ Ý. (bấm vào để xem)
Phỏng vấn Cung Trầm Tưởng. Mặc Lâm, RFA, 01/05/2010 (bấm vào để xem)

******************************

THE JIMMY SHOW – Jimmy phỏng vấn Cung Trầm Tưởng – 2020

https://www.youtube.com/watch?v=058tWkuJmaA

**************************

BÓNG HÌNH “CON TẮC KÈ” TRONG THƠ CUNG TRẦM TƯỞNG
Nguyễn Diễm Nga – California, November 17th, 2019

Kính thưa quý vị quan khách hiện diện nơi đây để chúc mừng và chào đón “Cung Trầm Tưởng – Một Hành Trình Thơ”.
Quả là một điều hết sức mạo muội và là một vinh dự lớn lao cho kẻ hậu bối “trẻ người non dạ” như cháu được góp mặt nơi đây, cất tiếng nói của thế hệ thứ hai cảm nhận về dòng thơ của Thi Nhân Cung Trầm Tưởng.

Cảm nhận đầu tiên của cháu là sự tri ân.
Nếu như bố cháu còn sống thì bố cháu kém bác Cung Trầm Tưởng 4 tuổi. Bố cháu là một Không Quân, cũng từng đi du học giống như bác Cung Trầm Tưởng, và ngày nay, trong album gia đình vẫn còn lưu lại tấm ảnh bố cháu chụp chung với một bóng hồng ngoại quốc. Cháu đoán bố cháu rất mê thơ Cung Trầm Tưởng, nhất là hai câu:
Thôi em xanh mắt bồ câu
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau

Bởi vì bố cháu cũng “xin hầu kiếp sau”, và nhờ vậy mới có cháu đứng trước mặt quý vị ngày hôm nay. Xin đa tạ bác Cung Trầm Tưởng.

Kính thưa quý vị,
Trước hành trình bảy mươi năm “Thơ tỉ lệ xuôi với vóc đời” của thi nhân và đúc kết trong bảy tập thơ tầm cỡ, cháu cảm thấy mình thật nhỏ nhoi. Mỗi một tập thơ của Cung Trầm Tưởng đều chứa đựng những tư tưởng lớn, thâm thuý và trầm mặc như thi danh của ông. Một nhà thơ người Mỹ, ông Carl Sandburg ví von: “Poetry is like an echo asking a shadow to dance” và Cung Trầm Tưởng đã diễn dịch rằng “Thơ như một hồi vang mời một bóng hình nhảy múa với”. Vì vậy, mỗi tập thơ của ông đều có những “bóng hình” ẩn hiện lung linh. Cháu trộm nghĩ, chắc chắn không thể thiếu những “bóng hồng”, phải không quý vị?
Tuy nhiên, để “bắt” được những cái “bóng”, những “shadow” tư tưởng trong thơ Cung Trầm Tưởng không phải là điều dễ dàng. Cháu rất ngưỡng mộ những ngòi bút tiền bối tên tuổi đã có những cảm nhận và phân tích rất độc đáo góp trong mỗi chương của quyển thơ này mà cháu tin khi đọc quý vị sẽ rất thích thú.
Phần cháu “sinh sau đẻ muộn” nên mãi mới tìm được một hình bóng khá ngộ nghĩnh, thú vị và dường như có khả năng lẩn trốn rất kỹ nên hình như chưa ai nhắc đến. Đó chính là “con tắc kè” trong tập thơ thứ năm mang tên “Thi Bá – Con Tắc Kè – Và Bà Góa Phụ”.
Thưa quý vị, dường như hình bóng “con tắc kè” đã thấp thoáng trong Cung Trầm Tưởng từ những năm 1965. Nhà thơ từng tự sự trong bài thơ mang tên “Lẩn Thẩn” như sau:
Tặng em một gã lo xa
Vành trăng tươm tất, bình hoa bày bàn…


Chi li toan tính đủ điều
Còn trời, còn đất, còn kêu tắc kè.

Thế nhưng phải đến cả chục năm sau cái tiếng kêu tắc kè ấy mới hiển hiện rõ nét.
Có lúc ngôn từ ta bất cập
Trước điều mắt thấy và tai nghe
Nỗi niềm nghẹn nghịu đầu ùn tắc
Ta gửi lời trong tiếng tắc kè

Tiếng kêu khắc khoải ấy trong đêm thâu thoạt nghe như không tròn vành, rõ chữ: “Ấp úng goài rồi lại í a” – như ngôn ngữ của người câm.
Vâng,
Chứng câm này mắc do nhân định
Người chẳng buồn nghe chuyện của người.

Đó là nỗi đau đớn thảng thốt không thoát thành lời khi chứng kiến “người với người” đối đãi với nhau hơn mười năm trong lao tù Cộng Sản. Những năm tháng ấy thi nhân bất đắc dĩ hành nghề mộc.
Tiếng Việt gì kêu như tiếng Tàu
Hận thù tháo chốt thành tru ngao,
Liếc răng cỗ máy cưa phầm phập
Kẻ rống người gào chẳng hiểu nhau.

Trong cái môi trường tù đày và bị đối xử thiếu nhân tính “mười mấy năm hoen gỉ tiếng người”, tắc kè phải “Mắt lia thay mép lạnh như tiền” và chọn sự im lặng ban ngày để khẳng định lập trường của mình “Miễn trả lời người ối á đêm”. Tắc kè ẩn mình dưới một lớp áo mà thi nhân cho rằng “Da sần sùi cẩn trần ai”. Cấu trúc sinh học đặc biệt của tắc kè lại nằm ở đôi bàn chân xòe rộng với những ngón có khả năng bám chặt vào vào cành lá, thân cây trơn ướt để sống còn trong môi trường khắc nghiệt – phải chăng đó chính là “Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định” – Đây cũng là tên gọi thi tập thứ tư của Cung Trầm Tưởng.
Nhà văn Bắc Đẩu Võ Ý, một người bạn tù của thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã giải thích như sau: Khi người tù vác một vật nặng trên vai (như bó nứa, khúc gỗ…) đi xuống những “dốc mỡ” trơn trượt. Muốn được an toàn, bàn chân anh ta phải bám ngang dốc để lần từng bước đi xuống. Nếu đi thẳng thì rất dễ chúi mũi trượt té. Một cách nghĩ khác, đi ngang vừa thấy phía trước là tương lai, vừa nhìn được phía sau là quá khứ. Tương lai thì đen tối và đầy mai phục và quá khứ như là điểm tựa cho sự sống. Còn Phiếm Định là bất trắc, là bất ổn. Có thể tác giả muốn biểu hiện một sự ham muốn sống, cố giữ một thế đứng thẳng và vững cho dù có bị lâm vào những hoàn cảnh đầy thử thách, bấp bênh, hiểm nghèo, bi đát. Trong bối cảnh này, Thi Bá đến với con tắc kè như một cứu cánh.
Cháu đã thức đến ba giờ sáng để nghiền ngẫm phần Lời Tựa: “ Một Bản Thể Luận Bồng Bềnh Về Thơ” mà Cung Trầm Tưởng đã viết “tặng các thi nhân và những người đọc yêu thơ”. Ở đây, người thi sĩ cầm bút viết như một nhà văn – hơn thế nữa – như một nhà triết học sâu sắc, ông phân tích THƠ “về mặt vĩ mô, qua lăng kính chiếu diệu của quang học hiện đại”. Là một người đọc yêu thơ thuộc thế hệ thứ 2 xin đón nhận món quà quý báu, cháu vô cùng tâm đắc với những điều mà thi nhân viết tặng như sau:
– Bài thơ từ lúc đến tay người đọc bắt đầu một định mệnh mới: nó sống đời sống một tặng phẩm. Từ là vật sở hữu của người thơ gửi tặng ta là người đọc, bài thơ dần dà chiếm ngự hồn ta, ở lại với ta, rồi thuộc về ta và hoá thành một châu báu trang điểm hồn ta.
– Khi ta “Gọi yêu” bài thơ là ôm nó vào và giữ nó ở lại với lòng ta để nó thuộc vào lòng ta, tức ta thuộc lòng nó… tức là nó ở lại với ta suốt đời
– Chiều sâu của thơ tỷ lệ thuận với khả năng biểu đạt – chủ yếu bằng ẩn dụ.

Kính thưa quý vị, “Con Tắc Kè” và “Thi Bá” chính là những ẩn dụ tuyệt vời giữa “Thi Nhân” và “Thơ”.
Cháu xin trích đoạn lời của nhà văn Hoàng Yên Lưu: “Nhà thơ nếm trải cơn gió bụi và tình cảm phóng ngoại bằng cơn phẫn nộ và thơ ca là phương tiện để thể hiện cơn bất bình này như thi nhân đã viết: Làm thơ là để giải phóng ấm ức, tìm một quân bình phiếm định trong một bất trắc triền miên. Ức chế càng tích lũy, càng o ép, ach ách như chửa trâu, sự lâm bồn càng khó khăn, đau đớn toạc sẻ, và thơ ra đời như một chiến thắng hân hoan.”
Ngài “Thi Bá” đã xuất hiện đúng lúc hoá kiếp cho những tiếng kêu “í a” trong đêm thâu của con tắc kè trở thành một thứ “uyên ngữ vô thanh” được chào đời.
Tắc kè! Đừng giả vờ ngơ điếc
Xác nhập thơ tôi cũng biết gào

Nhưng… ai sẽ nghe và hiểu được thứ “uyên ngữ vô thanh” đó?
Ấp úng goài rồi lại í a,
Đêm ra thủ thỉ cùng hoa nhà
Tắc kè tặc lưỡi hiên hàng xóm:
Một tấc tường, nghìn dặm cách xa!

Trước, con tắc kè chỉ biết ra thủ thỉ cùng hoa dâm bụt – một tĩnh vật – nhưng “một tấc tường, nghìn dặm cách xa” – tuy gần mà xa vì hoa dâm bụt không thể hiểu được hết nỗi lòng của tắc kè. Sau, nhân vật Bà Góa Phụ xuất hiện cùng với tiếng thở dài xen lẫn tiếng chõng tre kẽo cà kẽo kẹt từ ngôi nhà kế bên.
Thưa bà, tôi mới qua hầu chuyện
Trưởng lão đông lân, Thánh hạnh đàn,
Thi bá khuya sang làm lãng tử
Tàng hình đi cứu khổ nhân gian

Ngài dặn tôi rang ngô túc tắc
Làm quà biếu tặng bà cô đơn
Chỉ thâm giao với ai không ngủ
Biết lắng nghe trăng chuyện với vườn

Kính thưa quý vị, “bóng hồng” đã xuất hiện!
“Bà Goá Phụ” chính là người đọc tri âm tri kỷ mà thi nhân “Tắc Kè” hằng mong đợi. Bởi vì họ cùng là nạn nhân của những hệ lụy chiến tranh và chế độ Cộng Sản, họ có cùng một nỗi lòng.
Chắc quý vị không xa lạ với điển tích “Đàn Bá Nha – Tiếng ca Tử Kỳ”. Cũng giống như vậy, thi nhân và Thơ “ước muốn được gặp một người đọc ân cần, am tất và điệu nghệ để phát tiết tối đa cái tinh hoa tiềm ẩn của nó, để hạnh phúc của nó được vẹn toàn.”
Điều đáng nói ở đây chính là nét đẹp nhân bản từ trái tim thi nhân biểu hiện nơi lựa chọn “bóng hình người goá phụ” để làm ẩn dụ “hồng nhan tri kỷ”. Những bóng hình “giai nhân phô lõa thể” trong “Tương Phản” khi xưa giờ đây đã phôi phai. Ở giai đoạn này của cuộc đời, cái đẹp mà ông cảm nhận được chính là nét đẹp thuỷ chung vằng vặc của những người chinh phụ:
Mai rơi khúc sáo não nề,
Hành hành khứ khứ ngựa về yên không.
Cờ xa khuất cõi bụi hồng,
Khuê phòng góa phụ khóc chồng tử ly.

Ánh mắt của nàng đẹp lắm!

Mắt nàng nắng quái từ bi
Bình vong ưu thảo lưu ly ánh chiều

Cái ánh nhìn “lưu ly” trong đôi mắt của người chinh phụ đã ngời lên nhiều lần trong những bài thơ của Cung Trầm Tưởng, như trong bài “Và Em”:
Tóc vấn phong ba em đứng mũi
Một thuyền lèo lái cõi càn khôn
Đau thương nhuốm mắt em kỳ diệu
Ngời tỏ lưu ly tuyệt bích hồn

Phải chăng đó chính là thứ “uyên ngữ vô thanh” mà Thi Bá đã “khai tâm” và “hóa kiếp” từ tiếng kêu đêm của Con Tắc Kè?

Kính thưa quý vị, đó là những cảm nhận trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của một con ếch thuộc thế hệ thứ hai nơi đáy giếng thi ca.
Và nếu quý vị có thắc mắc “Tắc Kè” và “Bà Goá Phụ” tâm sự những gì, xin mời quý vị tìm đọc.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã lắng nghe!

Nguyễn Diễm Nga – California, November 17th, 2019

Diễm Nga & Cung Trầm Tưởng

**********************

CUNG TRẦM TƯỞNG THEO DÒNG THỜI GIAN …